Mỹ cho ra đời bản nâng cấp đầu tiên của đầu đạn nhiệt hạch siêu mạnh W88
Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ vừa thông báo đầu đạn nhiệt hạch W88 Alt 370 đầu tiên vừa được sản xuất tại nhà máy Pantex, một khu vực ở phía bắc bang Texas và là nơi lắp ráp phần lớn vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Theo đài Sputnik, mặc dù Lầu Năm Góc chịu trách nhiệm về thiết kế vũ khí hạt nhân, nhưng NNSA mới là cơ quan lắp ráp các vũ khí này.
Thông cáo báo chí dẫn lời quyền Giám đốc NNSA Charles Verdon cho biết: “Thành công này là nhờ quá trình làm việc hơn một thập kỷ qua. Đầu đạn W88 Alt 370 là một phần quan trọng trong chiến lược quốc gia phát triển vũ khí trên biển thuộc bộ ba hạt nhân và là minh chứng cho năng lực của nhà máy trong thực hiện các chương trình hiện đại hóa vũ khí quan trọng. Khi chúng tôi tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí, thành công và bài học từ chương trình này sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu đạn trong tương lai để răn đe một cách an toàn, đáng tin cậy”.
Bản nâng cấp W88 Alt 370 thay thế hệ thống phụ liên quan tới kích nổ, thiết bị nổ và trang bị, bổ sung thiết bị chống sét và làm mới chất nổ mạnh trong vũ khí để tăng cường an toàn hạt nhân, hỗ trợ các lựa chọn chương trình kéo dài hạn sử dụng trong tương lai.
Đầu đạn là phiên bản nâng cấp của đầu đạn nhiệt hạch W88. Phần lớn thông tin về W88 chưa được công khai, nhưng theo Liên đoàn Nhà khoa học Mỹ, đầu đạn W88 sử dụng bộ phận phân hạch cơ bản hình quả trứng, về mặt kỹ thuật rất khó sản xuất, nhưng lại giúp tăng sức nổ trên đầu đạn nhỏ hơn. Do đó, có thể trang bị nhiều đầu đạn nhiệt hạch hơn trên tên lửa MIRV (tên lửa mang nhiều đầu đạn điều hướng) như Trident II.
Tuy nhiên, số đầu đạn có thể được trang bị cho một tên lửa bị hạn chế nhiều bởi Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (START mới) - hiệp ước song phương giữa Mỹ và Nga mà hai nước vừa gia hạn đầu năm nay.
Đầu đạn tương tự cũng được sử dụng trên bom B61 – loại bom được triển khai trên máy bay ném bom hoặc máy bay tấn công.
Khoảng 400 đầu đạn W88 đã được phát triển từ năm 1988 tới 1992 và các vũ khí này có đương lượng nổ ước tính là 475 kiloton, tức gấp 30 lần quả bom mà Mỹ đã dùng để thả xuống Hiroshima, Nhật Bản hồi tháng 8/1945.
Tới nay, đầu đạn W88 là đầu đạn lớn nhất mà tên lửa Trident II mang theo. Đầu đạn W76-1 có đương lượng nổ 90 kiloton, còn đầu đạn mini W76-2 có đương lượng nổ từ 5-7 kiloton.
Các đầu đạn này bị trì hoãn vài năm sau khi xuất hiện hoài nghi về việc sử dụng tụ điện làm sẵn giá 5 USD để lắp ráp. NNSA đã phải mất 2 năm và 850 triệu USD để tìm cách cải tiến. Phiên bản hiệu quả hơn giờ có giá 75 USD.
Video thử tên lửa Trident II năm 2012 (nguồn: Youtube):
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ bắt đầu nghiên cứu phát triển vài vũ khí hạt nhân mới, trong đó có tên lửa hành trình gắn hạt nhân phóng từ biển và phiên bản mini của đầu đạn hạt nhân W76. Phiên bản mini đã hoàn thành.
Tổng thống Mỹ Joe Biden chịu áp lực thực hiện Rà soát Tình hình Hạt nhân và cân nhắc lại nhiều chương trình thời ông Trump. Mặc dù chưa có bản rà soát nào được công bố nhưng bản dự thảo phân bổ ngân sách mới nhất của Bộ Quốc phòng năm tài chính 2022 đã bỏ hạng mục tên lửa hành trình hạt nhân phóng từ biển (SLCM-N).
Ngay cả trước thời ông Trump, Mỹ đã định chi 1,2 nghìn tỷ USD để cập nhật các đầu đạn và các hệ thống phóng hiện có trong vài thập kỷ tới. Các ví dụ gồm chương trình W88 Alt 370, bom B8301, máy bay ném bom B-21 Raider, tàu ngầm lớp Columbia, tên lửa đạn đạo liên tục địa răn đe chiến lược mặt đất, tên lửa hành trình LRSO.