Mỹ chớp thời cơ làm đầu tàu khôi phục kinh tế toàn cầu

Theo dự báo của các nhà kinh tế học, lần đầu tiên kể từ năm 2005, Mỹ sẽ đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu nhiều hơn Trung Quốc trong năm nay.

Theo Oxford Economics, nền kinh tế thế giới có khả năng tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong gần nửa thế kỷ qua. Việc chủng ngừa Covid-19 giúp nhiều biện pháp chống dịch được nới lỏng và hoạt động kinh tế trở lại bình thường.

Lần đầu tiên kể từ năm 2005, Mỹ được kỳ vọng sẽ đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu nhiều hơn Trung Quốc. Cường quốc phía đông Thái Bình Dương có thể thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh mẽ trong năm nay, theo dự báo của Oxford Economics.

Wall Street Journal nhận định Mỹ sẽ đóng vai trò trung tâm hơn lần khôi phục kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hơn 1 thập kỷ trước, vai trò dẫn dắt thuộc về Trung Quốc. Sự khác biệt lần này nằm ở bản chất bất thường của đại dịch Covid-19 và độ linh hoạt của nền kinh tế Mỹ.

Cờ về tay Mỹ

Nếu Mỹ có mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ Trung Quốc trong năm nay như các dự báo thời gian qua, đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu từ Mỹ sẽ vượt Trung Quốc nhờ quy mô nền kinh tế lớn hơn.

Theo Catherine Mann, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Citibank, Mỹ đang đứng trước cơ hội "nắm vai trò đầu tàu toàn cầu trong năm 2021", dù tình hình quốc tế vẫn có rủi ro cản trở tăng trưởng.

Ngân hàng Goldmann Sachs dự báo nền kinh tế Mỹ tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2021, sau khi tăng trưởng âm 3,5% trong năm qua. Cùng giai đoạn này, Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 8%, tiếp đà tăng trưởng 2,3% trong năm 2020.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm một điểm tiêm vaccine Covid-19 tại Washington ngày 8/3. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm một điểm tiêm vaccine Covid-19 tại Washington ngày 8/3. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng JP Morgan cũng dự báo Mỹ tăng trưởng vượt mức trước khủng hoảng vào giữa năm 2021. Trung Quốc đã trở lại với xu hướng tăng trưởng kinh tế trước đại dịch, nhưng khó lòng tạo nên cột mốc mới. Trong khi đó, châu Âu và một số thị trường mới nổi sẽ tiếp tục chật vật cho đến năm 2022.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh phải tìm giải pháp cho 2 lực cản kinh tế đáng kể là nguồn lao động và tăng trưởng hiệu suất lao động. Đây là những vấn đề lâu dài và có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm tới, theo Joerg Kraemer - trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế ngân hàng Commerzbank.

Bên cạnh đó, giới lập pháp tại Bắc Kinh đang có dấu hiệu giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế trong năm 2021. Một trong những ưu tiên hàng đầu là quản lý nợ và kiểm soát bong bóng bất động sản khổng lồ tại Trung Quốc.

Nền kinh tế Mỹ lại đang có nhiều lợi thế bật dậy sau khủng hoảng Covid-19.

Độ dẻo dai của nền kinh tế đang được thể hiện qua chương trình chủng ngừa vaccine Covid-19 trên toàn quốc với tốc độ nhanh hơn kỳ vọng ban đầu. Tổng thống Joe Biden khi mới nhậm chức từng cam kết mọi người trưởng thành tại Mỹ đến tháng 7 sẽ được tiêm vaccine. Trong thông báo mới nhất vào cuối tuần qua, mục tiêu hoàn thành được dời lên giữa tháng 5, sớm hơn 2 tháng so với dự báo.

Thượng viện Mỹ cũng vừa thông qua gói ngân sách "Kế hoạch Giải cứu Nước Mỹ" trị giá 1.900 tỷ USD để hỗ trợ người dân, kiểm soát dịch và mở cửa lại trường học. Cục Dự trữ Liên bang có trong tay những công cụ tiền tệ linh hoạt và nền kinh tế Mỹ vẫn còn tiết kiệm tích trữ. Theo Oxford Economics, toàn bộ hộ gia đình Mỹ đang có tổng cộng khoảng 1.800 tỷ USD tiết kiệm dư thừa.

Khác với tình hình ở Trung Quốc, việc tăng trưởng âm của nền kinh tế Mỹ và nhiều nước khác trong năm qua không có tác động từ hiện tượng bong bóng tài sản hay nợ chồng nợ. Đây chính là điểm khác biệt giữa cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 với những cuộc khủng hoảng trước đây. Yếu tố này khiến nhiều chuyên gia tự tin rằng khôi phục kinh tế sẽ diễn ra nhanh chóng.

 Công nhân làm việc trong nhà máy của hãng sản xuất linh kiện điện tử SMC, tại Bắc Kinh, sau khi thành phố nới lỏng biện pháp chống dịch vào tháng 5/2020. Ảnh: Reuters.

Công nhân làm việc trong nhà máy của hãng sản xuất linh kiện điện tử SMC, tại Bắc Kinh, sau khi thành phố nới lỏng biện pháp chống dịch vào tháng 5/2020. Ảnh: Reuters.

Thách thức tiềm ẩn

Thương mại toàn cầu vào thời điểm này đã vượt mức trước khủng hoảng. Người dân các nước ở nhà nhiều hơn, nhưng hình thức mua sắm qua mạng vẫn diễn ra bình thường trong giai đoạn đại dịch. Doanh nghiệp khôi phục chi tiêu cho trang thiết bị nhanh hơn 2 đợt hồi phục kinh tế trước đó, phần lớn nhờ hỗ trợ mạnh tay từ chính phủ, theo phân tích từ JP Morgan.

Mức cho vay từ ngân hàng cho doanh nghiệp tăng 80% vào giai đoạn đỉnh dịch tại Mỹ, khu vực đồng EUR, Nhật Bản và Anh trong năm 2020. Niềm tin thị trường đã không rơi tự do như cuộc khủng hoảng tài chính một thập kỷ trước, khi mức cho vay ngân hàng giảm đến 13%.

Dù vậy, Mỹ hồi phục kinh tế quá mạnh có thể tạo hiệu ứng thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến những vùng đang chật vật với đại dịch. Niềm tin giới đầu tư được cải thiện sẽ đẩy chi phí vay ở Mỹ và toàn cầu, khiến đồng USD mạnh hơn và làm đau đầu nhiều chính phủ có USD chiếm tỷ trọng lớn trong quỹ nợ.

Tại châu Âu, chương trình chủng ngừa Covid-19 ở nhiều nước vẫn trì trệ. Các chính phủ châu Âu cũng không chi tiêu mạnh tay như Washington vì lo ngại nợ công "phình to". Trong tháng 1, doanh thu bán lẻ ở khối sử dụng đồng EUR bất ngờ giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm 2020 vì nhiều nước gia hạn phong tỏa. Cùng giai đoạn, doanh thu bán lẻ tại Mỹ vẫn tăng dến 7,4%.

"Trung Quốc không chỉ trở lại vị thế sản xuất công nghiệp trước đại dịch mà còn đang tạo nên kỷ lục mới. Bắc Mỹ không để thụt lại phía sau quá xa, chi rất đậm cho nền kinh tế. Trong khi đó, châu Âu vẫn trì trệ", Gordon Riske, CEO Tập đoàn Kion - hãng sản xuất xe tải nâng hàng và thiết bị nhà kho tại Đức, nhận định.

 Amazon mở siêu thị thực phẩm tươi đầu tiên tại Anh, đặt ở thủ đô London, vào ngày 4/3. Ảnh: Retuers.

Amazon mở siêu thị thực phẩm tươi đầu tiên tại Anh, đặt ở thủ đô London, vào ngày 4/3. Ảnh: Retuers.

Kịch bản thị trường Mỹ hồi phục quá nhanh, đến mức các nhà sản xuất nước ngoài không bắt kịp, cũng có nguy cơ tác động tiêu cực. Một số nhà đầu tư bắt đầu lo ngại kịch bản lạm phát tăng vì tăng trưởng nóng mà chuỗi cung ứng tắc nghẽn.

Nền kinh tế hậu đại dịch vẫn là một ẩn số lớn. Một số ngành có thể tăng trưởng chậm hoặc giậm chân tại chỗ.

Điển hình là nhóm ngành du lịch - một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế châu Âu, châu Á lẫn nước Mỹ. Các biện pháp kiểm soát biên giới vẫn chưa được nới lỏng đủ mạnh cho triển vọng hồi phục. Với nhiều biến chủng mới của SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện thời gian qua, tình hình khó thay đổi tích cực trong tương lai gần.

Hành vi người tiêu dùng có thể thay đổi vĩnh viễn sau đại dịch và ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh doanh. Nếu người dân tiếp tục xu hướng mua sắm qua mạng hoặc làm việc tại nhà tại các nước, một số ngành nghề bán lẻ ở vùng trung tâm thành phố có nguy cơ bị "khai tử".

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào tháng 2 còn cảnh báo hàng loạt nguy cơ khác đối với nền kinh tế toàn cầu.

Doanh nghiệp và chính phủ sẽ có xu hướng giảm đầu tư trong nghiên cứu và phát triển nhằm cải thiện tình hình tài chính. Vốn khó được chuyển dịch từ một số ngành đặc thù như hàng không sang những ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, nguồn lực lao động có nguy cơ thu hẹp vì giảm nhập cư và trường học đóng cửa.

Thanh Danh

Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-chop-thoi-co-lam-dau-tau-khoi-phuc-kinh-te-toan-cau-post1191177.html