Mỹ chưa chịu viện trợ tên lửa tầm xa cho Ukraine
Tờ The Washington Post dẫn nguồn tin quan chức tiết lộ chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện giữ vững lập trường từ chối viện trợ tên lửa tầm xa cho Ukraine, bất chấp áp lực ngày càng tăng từ giới nghị sĩ Mỹ lẫn Kyiv.
Đợt phản công chậm chạp đáng thất vọng của quân đội Ukraine cùng giọng điệu mập mờ của Tổng thống Biden thời gian qua làm dấy lên suy đoán tên lửa tầm xa sắp được Mỹ viện trợ sau hơn 1 năm từ chối.
Cuối tháng 5, Tổng thống Biden lần đầu tiên tuyên bố Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) “vẫn được cân nhắc” – phát ngôn dường như báo hiệu Mỹ đã thay đổi lập trường. Hai tuần sau Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông cùng nhà lãnh đạo Mỹ bàn luận về ATACMS tại hội nghị thượng đỉnh NATO.
Tuy nhiên một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết bất chấp nhận định nước này sắp chấp thuận viện trợ, chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa thay đổi chính sách. Nhiều tháng qua chẳng hề có thảo luận thực chất nào cả.
Lầu Năm Góc tin rằng Ukraine cần các loại vũ khí khác hơn ATACMS, viện trợ quá nhiều làm suy yếu năng lực sẵn sàng chiến đấu của Mỹ nếu xung đột quân sự nổ ra.
Theo nguồn tin, số lượng ATACMS trong kho dự trữ hiện là cố định và đang chờ được thay thế bởi Tên lửa tấn công chính xác tầm cao thế hệ tiếp theo (Prism). Hãng Lockheed Martin mỗi năm vẫn sản xuất 500 ATACMS nhưng tất cả đều để bán cho quốc gia khác.
Ukraine xác định với ATACMS, họ có thể tiêu diệt sở chỉ huy cùng cơ sở hậu cần của Nga ở phía sau tiền tuyến. Tổng thống Zelensky đầu tháng 7 nhấn mạnh không có vũ khí tầm xa thì rất khó thực hiện chiến dịch phòng thủ lẫn nhiệm vụ tấn công.
Dự Diễn đàn An ninh Aspen hôm 20.7, cố vấn Tổng thống Ukraine Andriy Yermak nói rõ họ cần ATACMS. Kyiv kêu gọi viện trợ hàng trăm tên lửa.
Giới nghị sĩ Mỹ cũng góp sức gây áp lực. Tháng trước Ủy ban Quân vụ thuộc Hạ viện Mỹ đưa quỹ viện trợ ATACMS vào dự thảo ngân sách quốc phòng. Ủy ban Đối ngoại thuộc Hạ viện Mỹ cũng thông qua nghị quyết đề nghị cung cấp ngay.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Michael McCaul tuyên bố: “Không có lý do gì chỉ viện trợ đủ để Ukraine đổ máu chứ không đủ để chiến thắng. Nếu chúng ta quyết định giúp họ thì hoặc là dốc toàn lực hoặc là rút lui”.
Đầu tháng qua, đến lượt hai nghị sĩ James E.Risch và Roger Wicker - lần lượt là thành viên Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Quân vụ thuộc Thượng viện Mỹ - ra tuyên bố nhấn mạnh ATACMS, chiến đấu cơ F-16 cùng bom chùm rất cần thiết với Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Biden trước đó viện dẫn lý do lo ngại Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ, khiến cuộc chiến hiện tại leo thang thành đối đầu Mỹ - Nga.
Anh, Pháp gần đây không ngần ngại viện trợ tên lửa hành trình tầm bắn khoảng 220 km (sau khi tham vấn Mỹ) – vẫn thua tầm bắn hơn 300 km của ATACMS.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl tại Diễn đàn An ninh Aspen nhấn mạnh do đã có tên lửa Storm Shadow (Anh) và SCALP (Pháp) nên Ukraine ít cần ATACMS hơn.
Ông cũng chỉ ra quân đội Ukraine đủ sức tiến sâu vào khu vực lãnh thổ đang bị Nga chiếm đóng, vấn đề mà đợt phản công gặp phải là mạng lưới mìn dày đặc Nga thiết lập dọc phòng tuyến chứ không phải thiếu tên lửa tầm xa.
Chính quyền Tổng thống Biden còn đưa ra lý do ATACMS hạn chế năng lực của Hệ thống pháo phóng loạt (HIMARS) cùng Hệ thống pháo điều hướng phóng loạt (GMLRS). ATACMS có thể phóng được bằng 2 tổ hợp này, nhưng mỗi lần chỉ có thể bắn một tên lửa.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/my-chua-chiu-vien-tro-ten-lua-tam-xa-cho-ukraine-202529.html