Mỹ chưa sử dụng 'cha của các loại bom' GBU-57 để đối phó Houthi
Quan chức Mỹ khẳng định, oanh tạc cơ tàng hình B-2 chưa dùng tới siêu bom xuyên phá GBU-57 vốn được mệnh danh là 'cha của các loại bom' trong chiến dịch không kích Houthi những tháng qua.
Một quan chức quốc phòng Mỹ hôm 17/4 khẳng định, phi đội oanh tạc cơ tàng hình B-2 chưa từng thả quả GBU-57 nào xuống Yemen trong vòng hai tháng qua.
Điều này phủ nhận thông tin được hãng tin Fox News của Mỹ ngày 16/4 cho biết oanh tạc cơ tàng hình B-2 nước này đã sử dụng bom xuyên phá hầm ngầm GBU-57/B MOP nặng gần 14 tấn để tập kích hạ tầng dưới lòng đất của nhóm vũ trang Houthi tại Yemen.
"Dựa trên thông tin về những loại vũ khí đã được sử dụng và báo cáo chuyển tới các cấp chỉ huy, tôi hiểu rằng bom GBU-57 chưa từng được thả trong chiến dịch đang diễn ra", một quan chức khác nói.

Siêu bom xuyên phá GBU-57
Thông tin được đưa ra sau khi không quân Mỹ hồi tháng trước triển khai ít nhất 6 oanh tạc cơ tàng hình B-2 vốn có thể mang tới 2 quả bom GBU-57 tới tiền đồn Diego Garcia ở Ấn Độ Dương để tham gia chiến dịch không kích lực lượng Houthi.
Washington hồi tháng 10/2024 cũng điều động máy bay B-2 tập kích mục tiêu ở Yemen, nhưng không rõ những loại vũ khí được sử dụng.
Siêu bom xuyên phá GBU-57
Dù chưa triển khai tập kích Houthi, GBU-57 được coi là vũ khí thích hợp để tập kích các mục tiêu giá trị cao, nằm sâu dưới lòng đất ở Yemen. Theo báo cáo tháng 4/2024 của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, Houthi đã tân trang và mở rộng mạng lưới cơ sở quân sự ngầm để chuẩn bị cho kịch bản xung đột với Mỹ và đồng minh.

Siêu bom xuyên phá GBU-57
GBU-57 hiện được coi là loại bom phi hạt nhân mạnh nhất của Mỹ, chúng còn được biết đến với biệt danh "cha của các loại bom" hay "nắm đấm của quỷ" bởi sức công phá kinh hoàng. GBU-57 còn có tên đầy đủ là Massive Ordnance Penetrator với chiều dài khoảng 6,2 m, có sở trường tiêu diệt những mục tiêu nằm sâu trong lòng đất, boong-ke hoặc hầm trú ẩn.
Dường như chưa hài lòng với sức mạnh hiện tại của loại bom này, Mỹ đã nâng cấp sâu rộng vào năm 2013 giúp quả bom có tính ổn định hơn, với một cấu trúc sửa đổi và một cầu chì thứ hai, cho phép nó thâm nhập tốt hơn.
Không chỉ có kích thước lớn, bom GBU-57 còn có sức công phá đáng sợ khi lõi bên trong chứa đến 2,5 tấn thuốc nổ. Sau khi được phóng đi từ máy bay, bom GBU-57 sẽ xuyên thấu các tầng bê tông cốt thép nhờ vào tốc độ cao kết hợp cùng lớp vỏ cực cứng. Tùy thuộc vào độ cứng của bê tông, bom GBU-57 có thể xuyên qua từ 8 - 60m bê tông cốt thép trước khi phát nổ. Khối lượng đầu đạn của bom là 2,5 tấn, bom được dẫn đường bằng hệ thống định vị vệ tinh và đầu dẫn laser.
Phía đuôi bom còn gắn hệ thống quạt đẩy giúp tăng tốc độ để xuyên phá sâu hơn. Sau khi đạt được độ sâu tối đa có thể, bom sẽ tự kích nổ phá hủy mục tiêu.
Phần vỏ của đầu nổ được làm từ hợp kim thép đặc biệt và thiết kế cho phép mang khối lượng chất nổ lớn trong khi vẫn duy trì được lực xuyên phá khi va chạm. Nhờ gây nổ từ bên trong nên sức công phá của GBU-57 lớn hơn rất nhiều so với tấn công từ bên ngoài.
Bom GBU-57/B được thiết kế để trang bị cho oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit và sau này là dòng B-21 Raider. Hình ảnh về loại bom này trong diễn tập và chiến đấu luôn được giữ kín, cho tới khi không quân Mỹ công bố video một chiếc B-2 thả bom GBU-57/B trong cuộc diễn tập hồi năm 2017.
