Mỹ chuyển hướng trong đàm phán thương mại?
Các quan chức thương mại hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện không còn nhắm đến thỏa thuận toàn diện với các quốc gia khác.
Thay vào đó, họ tìm kiếm thỏa thuận theo từng giai đoạn với những quốc gia tham gia tích cực nhất trước ngày 9-7, thời điểm ông Donald Trump cam kết sẽ tái áp dụng các mức thuế đối ứng nặng nề.
Tờ Financial Times hôm 1-7 cho biết thông tin trên, đồng thời tiết lộ những quốc gia đồng ý với thỏa thuận thu hẹp sẽ tránh được mức thuế đối ứng cao hơn nhưng vẫn phải chịu mức thuế hiện hành 10% trong lúc tiếp tục đàm phán về những vấn đề gai góc.
Song song với cách tiếp cận này, chính quyền ông Donald Trump đang cân nhắc áp thuế lên các lĩnh vực quan trọng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent hôm 30-6 cho rằng chỉ có Tổng thống Donald Trump mới có quyền quyết định về việc lùi thời hạn cho các quốc gia đang đàm phán Mỹ một cách thiện chí. Quan chức này nói thêm ông kỳ vọng sẽ có một loạt thỏa thuận được ký kết trước thời hạn 9-7.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick (trái) và ông Ryosei Akazawa, trưởng đoàn đàm phán thuế quan của Nhật Bản, tại thủ đô Washington - Mỹ hồi tháng rồi Ảnh: BỘ THƯƠNG MẠI MỸ
Cùng ngày, ông Donald Trump bày tỏ sự thất vọng về tiến trình đàm phán thương mại với Nhật Bản và cho biết sẵn sàng áp thuế cao hơn đối với nước này. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố sẽ gửi thư thông báo mức thuế mới cho Tokyo, viện dẫn lý do đối tác này không sẵn sàng nhập khẩu gạo từ Mỹ. Trưởng đoàn đàm phán thuế quan của Nhật Bản, ông Ryosei Akazawa, khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với Mỹ để đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc tiếp tục áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Nhật.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU), một đối tác thương mại chủ chốt khác của Mỹ, sẵn sàng chấp nhận mức thuế 10% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của khối nhưng đang tìm kiếm sự ngoại lệ đối với các lĩnh vực quan trọng như dược phẩm, chất bán dẫn và máy bay thương mại. Ngoài ra, theo trang Bloomberg, EU còn thúc ép Mỹ áp dụng hạn ngạch và các ngoại lệ để giảm thuế đối với ô tô, thép và nhôm.
Một thỏa thuận tiềm năng cũng sẽ bao gồm các nội dung về thuế quan và phi thuế quan, cam kết mua các mặt hàng chủ lực của Mỹ, đồng thời đề ra những lĩnh vực hợp tác bổ sung. Ông Maros Sefcovic, Ủy viên EU phụ trách thương mại và an ninh kinh tế, dự kiến đến Mỹ trong tuần này để thúc đẩy đàm phán.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/my-chuyen-huong-trong-dam-phan-thuong-mai-196250701211805687.htm