Mỹ công bố mức thuế quan đối ứng đối với hàng hóa nhập khẩu

Rạng sáng 3-4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia và công bố thuế quan đối ứng ít nhất 10% trên tất cả các quốc gia, trong đó áp cao hơn đối với 60 quốc gia.

Mỹ theo đúng kế hoạch, đã chính thức áp thuế đối ứng lên hàng loạt đối tác thương mại. Ảnh: Detroit Free Press.

Mỹ theo đúng kế hoạch, đã chính thức áp thuế đối ứng lên hàng loạt đối tác thương mại. Ảnh: Detroit Free Press.

Mức thuế mới áp dụng cho cả một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, làm sâu sắc thêm cuộc chiến thương mại đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu và khiến các đồng minh của Washington bối rối.

Theo danh sách mới, Trung Quốc, nhà nhập khẩu hàng đầu thứ hai của Mỹ sau Mexico, hiện sẽ phải đối mặt với mức thuế 54% theo chính sách mới (đã bao gồm 20% thuế trên toàn bộ hàng hóa mà Mỹ áp dụng trước đó). Mỹ đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 439 tỷ USD từ Trung Quốc vào năm 2024, chỉ sau Mexico.

Theo thông tin ban đầu, một số đối tác của Mỹ gánh thuế mới cao có Campuchia (49%), Việt Nam (46%), Myanmar (44%) Thụy Sĩ (31%), Nhật Bản (24%), Thái Lan (36%), Ấn Độ (26%)...

Trước đó, Bắc Kinh, cùng với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc đã đe dọa đánh thuế trả đũa chính sách của Washington.

Xe ô tô nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị đánh thuế 25%, có hiệu lực vào nửa đêm (giờ bản địa).

Bình luận về thuế mới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo các nước không leo thang chiến tranh thương mại.

"Hãy ngồi lại, hít thở sâu, đừng trả đũa ngay lập tức. Hãy xem điều này sẽ đi đến đâu, bởi vì nếu bạn trả đũa, đó là cách chúng tôi leo thang" - ông Scott Bessent nhấn mạnh, đồng thời gợi ý thuế quan công bố lần này có thể không phải là vĩnh viễn mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ "chờ xem tình hình diễn ra như thế nào".

Theo giới quan sát, các khoản thuế bao quát sẽ dựng lên các rào cản mới xung quanh nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới, đảo ngược hàng thập kỷ tự do hóa thương mại đã định hình trật tự toàn cầu. Các đối tác thương mại dự kiến sẽ phản ứng bằng các biện pháp đối phó của riêng họ có thể dẫn đến giá cao hơn đáng kể cho mọi thứ, từ xe đạp đến rượu vang.

Thuế mới dẫn tới phản ứng của nhiều quốc gia. Thủ tướng Canada Mark Carney nhận định, thuế quan có đi có lại do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sẽ "thay đổi cơ bản hệ thống thương mại quốc tế".

Canada - giống như Mexico - tuy được miễn thuế quan đối ứng được công bố hôm nay nhưng đã phải chịu mức thuế 25% đã công bố trước đó đối với hàng hóa không thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp ước thương mại tự do Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

Thủ tướng Australia Anthony Albanese nhận định, thuế quan mới của Washington là không bất ngờ, nhưng nhấn mạnh đây là giải pháp không chính đáng và đi ngược lại cơ sở quan hệ đối tác của với hai quốc gia. "Đây không phải hành động của một người bạn" - nhà lãnh đạo này nêu rõ.

Đăng trên mạng xã hội X, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson bày tỏ bất bình, lấy làm tiếc về quyết định mới của Mỹ, đồng thời khẳng định, nước này sẽ "bảo vệ thương mại tự do và hợp tác quốc tế".

Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch sau giờ làm việc khi các nhà đầu tư tiêu hóa quyết định của Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan có thể làm leo thang cuộc chiến thương mại ngày càng gia tăng và làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu.

Trong số các nước chịu thuế đối ứng, nhóm khoảng 60 quốc gia chứng kiến mức bị Washington tính thuế rất cao, tương đương một nửa mức mà các nước này áp dụng cho hàng hóa từ Mỹ.

Danh sách chi tiết mức thuế đối ứng mà Mỹ áp lên các nước như sau (cột màu trắng là thuế các nước áp dụng lên hàng hóa Mỹ, cột màu vàng là thuế "có đi có lại" mà Mỹ áp dụng lần này):

Nguồn: Dữ liệu Nhà Trắng

Nguồn: Dữ liệu Nhà Trắng

Theo CNBC, NBC News

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/my-cong-bo-muc-thue-quan-doi-ung-doi-voi-hang-hoa-nhap-khau-697695.html