Mỹ cử đoàn 'cựu chiến binh' đến trấn an Đài Loan sau khi Nga động binh với Ukraine
Phái đoàn cựu quan chức Mỹ thăm Đài Loan do Mike Mullen, chủ tịch một thời của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân trong chính quyền George W. Bush và Barack Obama, dẫn đầu.
Người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc cho biết sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan sẽ trở nên vô ích khi một phái đoàn gồm các cựu quan chức Mỹ đặt chân xuống Đài Bắc hôm qua. Đây là một động thái mang tính trán an của Tổng thống Joe Biden với người dân Đài Loan sau khi Nga phát động tấn công Ukraine.
Lúc này, Đài Loan đã tràn ngập tin tức về hoạt động quân sự của Nga chống lại Ukraine trong sáu ngày liên tiếp. Đồng thời, họ lo ngại rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sớm cân nhắc nỗ lực quân sự khi thấy cần thống nhất Đài Loan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố: "Ý chí của người dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta là không thể dao động. Bất cứ ai mà Mỹ cử đến để thể hiện cái gọi là ủng hộ Đài Loan sẽ là vô ích".
Đồng thời, ông Uông nói Washington nên xử lý vấn đề Đài Loan một cách "thận trọng", để không làm suy yếu nghiêm trọng hơn nữa quan hệ Trung Quốc-Mỹ nói chung.
Phái đoàn của Biden do Mike Mullen, chủ tịch một thời của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân trong chính quyền George W. Bush và Barack Obama, dẫn đầu. Cùng với ông là các cựu quan chức quốc phòng cấp cao Meghan O'Sullivan, Michele Flournoy, cũng như các cựu cố vấn an ninh quốc gia Mike Green và Evan Medeiros.
Họ dự kiến gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, các nhân viên Hội đồng an ninh và Người đứng đầu cơ quan phòng vệ Chiu Kuo-cheng trong hôm nay.
Các quan chức Mỹ trước đó nói với Reuters về chuyến thăm không dính dáng với các hành động căng thẳng đang diễn ra ở Ukraine và việc Washington cần phải thể hiện quyết tâm ở châu Á. Nhưng họ cũng cho biết động thái này còn để chứng minh sự ủng hộ "vững chắc" của chính quyền Biden đối với Đài Loan.
Phát biểu trước quốc hội trước khi phái đoàn đến, Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu nói với các nhà lập pháp rằng Đài Bắc đã được thông báo về chuyến thăm "một hoặc hai ngày" sau khi ông Putin ra lệnh cho các lực lượng Nga qua biên giới vào lãnh thổ do Kyiv nắm giữ.
Các quan chức cấp cao khác, bao gồm cả người đức đầu cơ quan hành pháp Đài Loan Tô Trinh Xương, cho biết họ hoan nghênh chuyến thăm của phái đoàn cựu quan chức Mỹ
Tuy nhiên, trước khi chuyến thăm cấp cao được công bố, Mỹ đã thông báo các ưu tiên của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách điều tàu chiến của Hải quân Mỹ qua eo biển Đài Loan vào ngày 26.2, khoảng 48 giờ sau khi Nga bắt đầu động binh ở Ukraine.
Người phát ngôn Trung Quốc, gọi khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Ralph Johnson là "đống sắt vụn" và sự hiện diện của quân đội Mỹ là một "mánh khóe khoa trương ".
Được biết, phái đoàn do Mullen dẫn đầu là phái đoàn thứ hai được Tổng thống Biden cử tới Đài Loan. Vào tháng 4 năm ngoái, ông Biden cũng đã cử một nhóm cựu thượng nghị sĩ tới hòn đảo này. Cũng trong thời gian này, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn trưởng về Trung Quốc của ông, Miles Yu, đều có mặt tại Đài Bắc cho chuyến thăm 4 ngày với tư cách cá nhân.
Tại một sự kiện được tổ chức bởi Tổ chức tư vấn của Quỹ Marshal Fund vào hôm 28.2 điều phối viên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhà Trắng, Kurt Campbell, cho biết Mỹ sẽ cần phải hoạt động ở cả ở Châu Âu lẫn Thái Bình Dương, như đã từng làm trong Thế chiến thứ hai và Chiến tranh lạnh.
Ông Kurt Campbell thừa nhận: "Nó khó khăn. Nó tốn kém. Nhưng nó cũng rất cần thiết, và tôi tin rằng chúng ta đang bước vào một thời kỳ mà ở đó, nước Mỹ và người Mỹ lúc này sẽ đòi hỏi".
Đồng thời, ông Kurt Campbell tin rằng còn quá sớm để nói rằng Trung Quốc đã rút ra kết luận gì từ vài ngày đầu của cuộc xung đột ở Đông Âu. Tuy nhiên, Campbell cho rằng cách hành xử của Moscow ở Ukraine đã đặt Bắc Kinh vào một "mối liên hệ khó xử" vì mối quan hệ sâu sắc của nước này với Nga.