Mỹ đã chọn xong các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ
Các quan chức Mỹ đã thảo luận xong các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua S-400. Mỹ cũng có ý định công bố các lệnh trừng phạt này vào cuối tuần tới.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời các nguồn tin cho biết nội các của Tổng thống Donald Trump đã đồng ý về một gói các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì đã nhận được những phần của hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga. Họ cũng có kế hoạch công bố gói trừng phạt này trong những ngày tới.
Các quan chức đã chọn ra một trong ba gói hành động có mức độ trừng phạt khác nhau theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt. Tuy nhiên, các nguồn tin cũng không xác định kế hoạch nào đã được chọn. Kế hoạch này cũng cần sự chấp thuận của Tổng thống Trump.
Một trong những nguồn tin cho biết Mỹ có ý định công bố các lệnh trừng phạt vào cuối tuần tới. Chính quyền Mỹ muốn đợi cho đến sau ngày kỷ niệm của một cuộc đảo chính năm 2016 nhằm lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để tránh gia tăng suy đoán thêm rằng Mỹ chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính này.
Kế hoạch trừng phạt được xây dựng sau nhiều ngày thảo luận giữa các quan chức tại các cơ quan Nhà nước, Quốc phòng và Hội đồng An ninh Quốc gia. Kế hoạch này đang chờ một dấu hiệu từ ông Trump và các cố vấn hàng đầu của ông, nguồn tin cho biết và yêu cầu giấu tên. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.
Hôm 12-10, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu nhận các bộ phận của hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất. Mỹ cho rằng hệ thống này đe dọa đến chương trình vũ khí đắt nhất của Lầu Năm Góc, máy bay chiến đấu F-35 do Lockheed Martin chế tạo. Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển sang làm việc với Nga sau khi không đạt được thỏa thuận với Mỹ về các hệ thống phòng thủ.
Mỹ nói rằng hệ thống của Nga được thiết kế để bắn hạ máy bay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có thể thu thập thông tin tình báo quan trọng có thể làm tổn hại khả năng tàng hình của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Trong một nỗ lực can ngăn Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cho biết đã kết thúc việc tham gia chương trình F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6. Các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp sản xuất các bộ phận của máy bay phản lực F-35.
Thổ Nhĩ Kỳ đã kiên quyết rằng quốc gia này cần một hệ thống phòng không tiên tiến và buộc phải mua nó từ Nga vì các đồng minh NATO, bao gồm cả Mỹ, đã không đáp ứng nhu cầu phòng thủ của họ. Sau cuộc gặp với ông Erdogan bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20, ông Trump đã đổ lỗi cho người tiền nhiệm Barack Obama vì đã thất bại trong việc thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc giao hệ thống tên lửa này khiến cho nền kinh tế lớn nhất Trung Đông gần như chắc chắn sẽ phải chịu hành động trừng phạt của Mỹ. Theo luật, ông Trump cần chọn ít nhất năm trong số 12 biện pháp trừng phạt khác nhau - từ nhẹ đến khắc nghiệt - theo đạo luật trừng phạt, một khi việc giao tên lửa được xác nhận.
Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ đã xấu đi trong cuộc nội chiến ở Syria. Việc Mỹ ủng hộ phiến quân người Kurd đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng. Thổ Nhĩ Kỳ coi nhóm này là một phần mở rộng của phe ly khai mà họ đang chiến đấu tại đất nước mình. Ông Erdogan cũng đã chỉ trích Mỹ vì đã không dẫn độ ông Gulen, người bị cáo buộc là chủ mưu trong cuộc đảo chính.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết hôm 12-7 rằng quan điểm của Washington về việc Thổ Nhĩ Kỳ không thể có cả F-35 và hệ thống tên lửa của Nga không thay đổi. Ông Esper đã nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar vào buổi trưa và chính quyền Thổ Nhĩ Kì tuyên bố rằng một phái đoàn Mỹ sẽ đến thăm vào tuần tới để tiếp tục thảo luận về vấn đề này.