Mỹ đã chuẩn bị cho việc Nga tấn công hạt nhân Ukraine như thế nào?
Các quan chức cho biết, chính quyền Tổng thống Biden đặc biệt lo ngại Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc thậm chí là chiến lược.
Vào cuối năm 2022, Mỹ bắt đầu “chuẩn bị kỹ lưỡng” cho việc Nga có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công vào Ukraine, đây có thể là cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên trong chiến tranh kể từ khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki gần 80 năm trước. Hai quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Biden đã tiết lộ với kênh CNN của Mỹ.
Chính quyền Biden thật sự lo lắng
Jim Sciutto, nhà phân tích về an ninh của CNN trong bài viết của mình cho biết, lần đầu tiên tin tức về việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật được phát đi vào năm 2022. Trong cuốn sách “Sự trở lại của các cường quốc” do chính ông làm tác giả được phát hành ngày 12/3 đã tiết lộ những chi tiết độc quyền về việc các thành viên trong nội các của ông Biden cực kỳ lo lắng trước tình hình tại Ukraine.
Theo ông Sciutto, điều khiến chính quyền Tổng thống Biden kinh ngạc không chỉ là ở những con số mà là một tập hợp các phân tích diễn biến và quan trọng nhất là những thông tin tình báo mới có độ nhảy cảm cao.
Một quan chức cấp cao đã nói với ông Jim Sciutto rằng, nỗi sợ của chính quyền Tổng thống Biden không còn là giả thuyết nữa, nó dựa trên một số thông tin mà họ đã thu thập được.
Trong khoảng thời gian từ cuối mùa hè đến mùa thu năm 2022, Hội đồng An ninh Quốc gia đã triệu tập một loạt cuộc họp để đưa ra các kế hoạch dự phòng “trong trường hợp có dấu hiệu rất rõ ràng rằng họ sắp làm điều gì đó, tấn công bằng vũ khí hạt nhân, hoặc nếu họ làm vậy thì chúng tôi sẽ phản ứng như thế nào, chúng tôi sẽ cố gắng ngăn chặn hoặc ngăn chặn nó như thế nào,” quan chức chính quyền cấp cao nói với ông Sciutto.
Tình thế của người Nga vào mùa hè năm 2022
Cuối mùa hè năm 2022, quãng thời gian đó là thời kỳ tàn khốc đối với lực lượng Nga ở Ukraine. Lực lượng Ukraine đang tiến vào Kherson do Nga kiểm soát ở phía nam. Thành phố này là thành quả lớn nhất của Nga kể từ khi xung đột nổ ra. Giờ đây, nó có nguy cơ thất bại trước cuộc phản công của Ukraine.
Điều quan trọng là khi lực lượng Ukraine tiến lên, toàn bộ các đơn vị Nga có nguy cơ bị bao vây. Quan điểm trong nội bộ chính quyền Mỹ là sự mất mát thảm khốc như vậy có thể là “nguy cơ tiềm ẩn” cho việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết: “Nếu một số lượng đáng kể lực lượng Nga bị loại khỏi vòng chiến - nếu mạng sống của họ gặp nguy hiểm - thì đó là dấu hiệu báo trước về mối đe dọa tiềm tàng trực tiếp đối với lãnh thổ Nga hoặc nhà nước Nga”.
“Ở Kherson vào thời điểm đó ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy phòng tuyến của Nga có thể sụp đổ. Hàng chục nghìn quân Nga có thể bị tổn thương”.
Nga đang mất dần vị thế bên trong lãnh thổ của Ukraine chứ không phải bên trong Nga. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lo ngại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin lại nhìn nhận vấn đề theo cách khác. Ông đã nói với người dân Nga rằng Kherson hiện là một phần của nước Nga, và do đó, ông có thể coi sự mất mát nặng nề ở đó là mối đe dọa trực tiếp đối với ông và nhà nước Nga.
“Đánh giá của chúng tôi đôi khi là một trong những kịch bản mà họ sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân bao gồm những thứ như mối đe dọa hiện hữu đối với nhà nước Nga, mối đe dọa trực tiếp đối với lãnh thổ Nga”, quan chức chính quyền Tổng thống Biden cho biết.
Với đánh giá như vậy, Nga có thể coi một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật như một biện pháp ngăn chặn những tổn thất thêm nữa đối với lãnh thổ do Nga nắm giữ ở Ukraine cũng như bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào vào chính Nga.
Cờ giả
Cùng lúc đó, truyền thông Nga đang tung ra một câu chuyện mới về một quả bom bẩn của Ukraine, mà các quan chức Mỹ lo ngại có thể nhằm mục đích che đậy cho một cuộc tấn công hạt nhân của Nga.
Vào tháng 10/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, đã thực hiện một loạt cuộc điện đàm tới các quan chức quốc phòng ở Mỹ, Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, nói với họ rằng Điện Kremlin “lo ngại về những hành động khiêu khích có thể xảy ra của Kiev liên quan đến việc sử dụng vũ khí bẩn".
Các quan chức Mỹ và phương Tây khác bác bỏ cảnh báo của Nga. Tuy nhiên, đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc đã gửi một lá thư trực tiếp nêu chi tiết về mối đe dọa tương tự. Các quan chức Nga cáo buộc Ukraine sẽ chế tạo và cho nổ một quả bom bẩn chống lại lực lượng Nga và sau đó đổ lỗi vụ tấn công cho Nga.
Các quan chức Mỹ bác bỏ cảnh báo của Nga nhưng lo ngại động cơ đằng sau chúng.
Có một điều nữa đã nâng mối lo ngại lên một tầm cao mới. Các cơ quan tình báo phương Tây cho biết, đã nhận được thông tin rằng hiện đã có liên lạc giữa các quan chức Nga đang thảo luận rõ ràng về một cuộc tấn công hạt nhân.
Việc Mỹ tiếp cận thông tin liên lạc nội bộ của Nga trước đây đã được chứng minh là có khả năng. Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Mỹ đã thu chặn thông tin các chỉ huy quân sự Nga thảo luận về việc chuẩn bị cho cuộc tấn công, những thông tin liên lạc là một phần trong đánh giá tình báo của Mỹ, sau đó được chứng minh là chính xác, rằng cuộc tấn công sắp xảy ra.
“Nó không bao giờ là một đánh giá rõ ràng, trắng đen” quan chức cấp cao của Mỹ nói. “Nhưng mức độ rủi ro dường như đang tăng lên, vượt xa mọi thời điểm trước”.
Mỹ có biết không?
Mỹ chưa bao giờ phát hiện được thông tin tình báo cho thấy Nga đang thực hiện các bước huy động lực lượng hạt nhân của mình để thực hiện một cuộc tấn công.
“Rõ ràng chúng tôi đã đặt ưu tiên cao cho việc theo dõi và ít nhất là chúng tôi có khả năng theo dõi một số chuyển động của lực lượng hạt nhân Nga. Chưa bao giờ chúng tôi mong đợi họ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân” – quan chức cấp cao nói.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ không chắc chắn liệu họ có biết Nga có đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật vào sử dụng hay không. Không giống như vũ khí hạt nhân chiến lược, có khả năng phá hủy toàn bộ thành phố, vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc chiến trường nhỏ, di chuyển một cách lặng lẽ và có thể bắn từ các hệ thống thông thường đã được triển khai trên chiến trường Ukraine.
“Nếu điều họ định làm là sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, đặc biệt là vũ khí hạt nhân chiến thuật hiệu suất rất thấp và đặc biệt nếu họ chỉ sử dụng một hoặc một số lượng rất nhỏ, thì chúng tôi không thể biết rõ 100%”, vị quan chức cấp cao nói thêm.
Theo các quan chức cấp cao của Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken đã truyền đạt mối quan ngại của Mỹ một cách "rất trực tiếp" với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley đã gọi điện cho người đồng cấp Nga, Tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga.
Tổng thống Joe Biden đã cử Giám đốc CIA Bill Burns đến Thổ Nhĩ Kỳ để nói chuyện với Sergey Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Nga. Ông Burns đã truyền đạt những lo ngại của Mỹ về một cuộc tấn công hạt nhân và đánh giá ý định của Nga.
Mỹ cũng hợp tác chặt chẽ với các đồng minh của mình để phát triển các kế hoạch dự phòng cho một cuộc tấn công hạt nhân của Nga và truyền đạt cảnh báo cho phía Nga về hậu quả của một cuộc tấn công như vậy.
“Chúng tôi đã tiến hành một số cuộc trò chuyện bí mật với các đồng minh cốt lõi để suy nghĩ kỹ càng,. Đó là dấu hiệu nổi bật trong toàn bộ cách tiếp cận của chúng tôi— rằng chúng tôi làm việc này tốt hơn và mạnh mẽ hơn khi chúng tôi hoàn toàn liên kết với các đồng minh của mình”, vị quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Biden tiết lộ.
Ấn Độ và Trung Quốc
Ngoài ra, Mỹ còn tìm cách tranh thủ sự giúp đỡ của các nước không phải đồng minh, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, để ngăn cản Nga thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân vào Ukraine.
Một quan chức cấp cao khác của chính quyền Tổng thống Biden nói: “Một trong những điều chúng tôi đã làm không chỉ là liên hệ trực tiếp với họ mà còn mạnh mẽ thúc giục, gây sức ép, khuyến khích các quốc gia khác, những quốc gia mà họ có thể chú ý hơn, làm điều tương tự”.
Các quan chức Mỹ nói rằng sự tiếp cận và tuyên bố công khai của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng.
“Chúng tôi tin rằng việc thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy mối quan ngại về vấn đề này, đặc biệt là mối quan tâm từ các nước chủ chốt đối với Nga và Nam bán cầu cũng là một yếu tố hữu ích, thuyết phục và cho họ thấy cái giá phải trả có thể là gì”.
“Thực tế là chúng ta biết Trung Quốc, Ấn Độ, những nước khác, có thể đã ảnh hưởng phần nào đến suy nghĩ của họ (Nga)”, vẫn lời vị quan chức cấp cao.
Trong giai đoạn cuối năm 2022, các quan chức Mỹ và châu Âu đã được hỏi xem có bất kỳ mối đe dọa tương tự nào không? Mối nguy hiểm có giảm bớt không khi xung đột ở Ukraine bước vào thời kỳ tương đối bế tắc ở phía Đông. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh vẫn luôn cảnh giác.