Mỹ đang cân nhắc áp các lệnh trừng phạt đối với quân đội Israel
Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ bác bỏ mọi biện pháp trừng phạt đối với quân đội nước này, sau khi có thông tin cho rằng Mỹ có kế hoạch cắt viện trợ cho một đơn vị.
Thủ tướng nhà nước Do Thái nhấn mạnh hôm 21/4: “Tôi sẽ chiến đấu bằng tất cả sức lực của mình”.
Trước đó, trang tin Axios cho biết Mỹ sẽ nhắm mục tiêu vào tiểu đoàn Netzah Yehuda của Israel với cáo buộc vi phạm nhân quyền tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng.
Theo đó bất kỳ động thái nào cũng sẽ tuân theo lệnh cấm viện trợ của Hoa Kỳ đối với các đơn vị nước ngoài có liên quan đến vi phạm.
Tuần trước, khi được hỏi về các báo cáo cho biết viện trợ quân sự của Mỹ cho các đơn vị Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có thể bị cắt do các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Bờ Tây bị chiếm đóng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: "Tôi đã đưa ra quyết định".
Washington - đồng minh chính của Israel - chưa bao giờ đình chỉ viện trợ cho một đơn vị IDF trước đây.
Theo quân đội Israel, Netzah Yehuda đang hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant kêu gọi Mỹ rút lại ý định trừng phạt Netzah Yehuda, đồng thời cho biết thế giới đang theo dõi mối quan hệ giữa Mỹ và Israel chặt chẽ hơn bao giờ hết.
Ông Gallantt tuyên bố rằng: “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm chỉ trích toàn bộ một đơn vị đều tạo ra ảnh hưởng nặng nề lên hành động của IDF”, đồng thời nói thêm “đây không phải là con đường đúng đắn cho các đối tác và bạn bè”.
Hôm 20/4, Axios trích dẫn ba nguồn tin của Hoa Kỳ am hiểu vấn đề này nói rằng ông Blinken dự kiến sẽ công bố các biện pháp trừng phạt Netzah Yehuda trong vài ngày tới.
Nguồn tin cho hay, động thái này sẽ nhằm giải quyết các cáo buộc lạm dụng ở Bờ Tây, bao gồm cả vụ việc một người đàn ông Mỹ gốc Palestine, Omar Assad, 80 tuổi, đã chết sau khi bị lính Israel trói và bịt miệng trong một cuộc khám xét ở Bờ Tây vào tháng 1/2022.
Vào thời điểm đó, Mỹ kêu gọi "điều tra hình sự kỹ lưỡng và chịu trách nhiệm hoàn toàn" trong vụ việc.
IDF sau đó cho biết họ lấy làm tiếc về cái chết của ông Assad và chỉ huy Netzah Yehuda sẽ bị "khiển trách" về việc này đồng thời cho biết thêm rằng hai binh sĩ sẽ bị cấm phục vụ ở các vị trí cấp cao trong hai năm, nhưng sẽ không bị truy tố. Theo đó, cái chết của ông Assad là do tình trạng bệnh lý đã có từ trước.
Gia đình ông Assad, nhiều người sống ở Mỹ, lên án quyết định khép lại vụ án.
Tất cả các hành vi vi phạm bị cáo buộc đều diễn ra trước cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas vào Israel từ Dải Gaza.
Bất kỳ quyết định nào cấm một đơn vị IDF nhận hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ sẽ được đưa ra theo "Luật Leahy", được bảo trợ vào năm 1997 bởi thượng nghị sĩ lúc đó là Patrick Leahy. Nó ngăn cản việc tài trợ hoặc huấn luyện của Hoa Kỳ được sử dụng cho các đơn vị quân đội nước ngoài được cho là có liên quan đến vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Năm ngoái, một nhóm quan chức Mỹ được gọi là "diễn đàn thẩm tra Israel-Leahy" đã xem xét ít nhất hàng chục cáo buộc chống lại các đơn vị Israel, bao gồm cả tiểu đoàn Netzah Yehuda.
Josh Paul - cựu giám đốc Cục Chính trị quân sự của Bộ Ngoại giao, cơ quan giám sát việc vận chuyển vũ khí của Mỹ, nói: “Chúng tôi tin rằng trong hầu hết các trường hợp, những trường hợp này không được khắc phục - nói cách khác, thủ phạm đã không bị bắt đúng cách”.
Ông chia sẻ thêm: “Khi chúng tôi cố gắng chuyển những khuyến nghị này lên ngoại trưởng, chúng tôi chưa bao giờ có thể thông qua được chúng ở cấp độ chính trị”.
Ông Paul đã từ chức vào tháng 11 để phản đối điều mà ông cho là thiếu trách nhiệm trong việc chuyển giao vũ khí cho Israel. Khi được hỏi liệu những khuyến nghị mà ông đề cập đã đến được bàn làm việc của ông Blinken hay chưa, ông trích dẫn các báo cáo truyền thông gần đây cho thấy rằng chúng đã đến tay vị ngoại trưởng.
Đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà hoạt động cực hữu người Israel Ben Zion Gopstein. Cơ quan này cho biết tổ chức của ông, Lehava đã "tham gia vào việc gây bất ổn bạo lực ảnh hưởng đến Bờ Tây".