Mỹ đang do dự

Sau khi Nga đề xuất đặt kho vũ khí hóa học của Xy-ri dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế, thì cuộc khủng hoảng Xy-ri có những diễn biến mới theo hướng tích cực. Nhưng Mỹ vẫn thể hiện một thái độ nước đôi, một mặt cam kết về một cơ hội ngoại giao cho chính quyền Xy-ri, một mặt tuyên bố tiếp tục để ngỏ khả năng tấn công quân sự vào quốc gia Trung Đông này.

Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma phát biểu trực tiếp trên truyền hình ngày 11-9, cam kết dành một cơ hội ngoại giao cho Xy-ri sau đề xuất của Nga. Ảnh: KREM.com

Các nhà phân tích nhận định, hành động “cứu nguy” của Nga đối với cuộc khủng hoảng tại Xy-ri đã góp phần trì hoãn một cuộc tấn công quân sự vào Xy-ri, bởi đề xuất mà Nga đưa ra là chấp nhận được đối với gần như tất cả các bên, ngoại trừ phe nổi dậy đang chiến đấu chống lại chế độ của Tổng thống Ba-sa An Át-xát. Việc tạm ngừng tấn công quân sự vào Xy-ri có lợi cho Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma. Bởi, ông Ô-ba-ma có được Quốc hội Mỹ ủng hộ hay không đối với kế hoạch tấn công quân sự vào Xy-ri nhằm đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra ngày 21-8, tại ngoại ô Thủ đô Đa-mát mà Oa-sinh-tơn cáo buộc là do chế độ của ông Át-xát thực hiện.

Thái độ do dự và thiếu quyết đoán của Mỹ khi đưa ra phương án giải quyết cuộc khủng hoảng tại Xy-ri thời điểm hiện tại, khiến các đồng minh châu Âu đặt câu hỏi: Liệu Oa-sinh-tơn có sẵn sàng đóng vai trò lãnh đạo thế giới nữa hay không - trách nhiệm mà Mỹ từ lâu vẫn khẳng định? Mặc dù sự do dự này đang làm đau đầu chính quyền Anh và Pháp, hai quốc gia ủng hộ chiến dịch tấn công trừng phạt Xy-ri, song lại làm hài lòng các quốc gia khác, vốn không mặn mà với hướng giải quyết này, như Đức chẳng hạn. Bởi, họ thấy “dễ chịu” trong việc duy trì quan hệ đối tác với một chính quyền Mỹ ôn hòa hơn so với chính quyền tiền nhiệm từng phát động hai cuộc chiến tranh tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Các quan chức châu Âu từ lâu đã chỉ ra rằng, Tổng thống Ô-ba-ma không muốn đi theo “vết xe đổ” trong các chiến dịch quân sự ở nước ngoài - những sự kiện gây nhiều chia rẽ trong dư luận - mà người tiền nhiệm Gioóc-giơ Bu-sơ tiến hành tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan.

Các đồng minh truyền thống của Mỹ ở bên ngoài châu Âu cũng đang cảm thấy vô cùng thất vọng bởi họ cho rằng, sẽ là một thất bại to lớn nếu ông Át-xát không phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế thích đáng. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có chung 900km đường biên giới với Xy-ri tỏ vẻ tức giận với thái độ thiếu kiên quyết của phương Tây và Mỹ. Trong khi đó, I-xra-en cũng cảm thấy bất an trước sự dao động của Tổng thống Ô-ba-ma.

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp vào sáng 11-9 (theo giờ Việt Nam) nói về cuộc khủng hoảng tại Xy-ri, Tổng thống Ô-ba-ma cam kết dành một cơ hội ngoại giao cho Đa-mát sau đề xuất của Nga. Theo ông, sáng kiến này có thể giúp giải giáp kho vũ khí hóa học của Xy-ri mà không cần phải dùng tới vũ lực. Ý thức được cái giá không nhỏ của chiến tranh sau hai cuộc chiến “hao người, tốn của” tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, Tổng thống Ô-ba-ma mong muốn chấm dứt các cuộc chiến hơn, thay vì phát động một cuộc chiến mới. Ông Ô-ba-ma cũng cho biết, ông sẽ duy trì kênh liên lạc thường xuyên với Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin cũng như với lãnh đạo Pháp và Anh để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Xy-ri. Tuy Tổng thống Ô-ba-ma vẫn để ngỏ khả năng về một cuộc tấn công quân sự khi những nỗ lực ngoại giao thất bại, nhưng chiến dịch quân sự đó đã trở nên xa vời hơn. Đức, một đối tác khá cẩn trọng của Mỹ liên tục nhấn mạnh rằng, cần hết sức tránh lựa chọn không kích quân sự và luôn muốn Nga tiếp tục duy trì các nỗ lực ngoại giao trong vấn đề Xy-ri. Hen-ning Ri-ê-cơ, Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại DGAP của Đức nói: “Đó là cách các nỗ lực ngoại giao phát huy tác dụng. Chúng tôi không cho rằng, Tổng thống Ô-ba-ma đã bị “mất mặt” khi đưa ra các quyết định gần đây”.

Bảo Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/my-dang-do-du/