Hiện tại, Mỹ bị cho là đang phát động một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" chống lại Nga nhằm duy trì vị thế dẫn đầu của mình trên trường quốc tế.
Nhà báo Hudson lưu ý rằng thế giới ngày nay được chia thành hai nhóm liên minh đối lập đang đấu tranh để xác định xem nền kinh tế thế giới sẽ đi theo hướng đơn cực và đô la hóa, lấy Mỹ làm trung tâm, hay một thế giới đa cực, đa tiền tệ.
“Tổng thống Biden mô tả đó là sự phân chia giữa các nền dân chủ và những chế độ chuyên quyền. Theo đó, 'các nền dân chủ' chính là Mỹ và những tổ chức tài chính sừng sỏ của phương Tây cùng với đồng minh".
"Mục tiêu của họ là giành quyền lập kế hoạch kinh tế từ tay những chính phủ dân cử để giao cho Phố Wall và các trung tâm tài chính do Mỹ kiểm soát khác”, chuyên gia Michael Hudson nhận xét.
Nhà phân tích chính trị lưu ý rằng Mỹ chỉ công nhận một định nghĩa của từ "dân chủ" đó là thân Mỹ. Tất cả những ai không hành động vì lợi ích của Washington đều bị xem là thiếu dân chủ.
Cuối cùng, "Chiến tranh Lạnh mới" hiện nay là một cuộc thập tự chinh chống lại các nền kinh tế đe dọa sự thống trị của Mỹ trên toàn thế giới. Đáng chú ý là Đức giữ một vai trò đặc biệt trong cuộc thập tự chinh này.
Toan tính của Mỹ trước hết là kích động mâu thuẫn với Nga và cắt đứt mọi quan hệ giữa Berlin và Moskva, thứ hai là thuyết phục Đức rằng an ninh của họ phụ thuộc vào Washington.
Chính quyền Mỹ đã hướng tới mục tiêu này trong nhiều thập kỷ: họ liên tục kêu gọi Đức ngừng phụ thuộc vào các nguồn năng lượng của Nga, nhiều lần cố gắng ngăn cản việc xây dựng và vận hành đường ống dẫn khí Nord Stream 2.
Và cuối cùng Mỹ đã thành công khi thuyết phục được Berlin áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Liên bang Nga, đình chỉ vận hành tuyến ống Nord Stream 2 cũng như hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Nhà phân tích Michael Hudson nói: “Những biện pháp trừng phạt chống Nga này khiến cuộc chiến tranh lạnh mới ngày nay phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm cũng như sự trợ giúp của Chính phủ Đức”.
Đức đã không thể theo đuổi chính sách kinh tế trong đó quan hệ thương mại và đầu tư cùng có lợi với Nga, và kết quả là Berlin trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ của Mỹ.
Đồng thời để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ được chở tới bằng đường biển, người Đức cần chi hơn 5 tỷ USD vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc tiếp nhận, đó là những bến cảng mới hoàn toàn.
Trong khi đó, Berlin đã chi rất nhiều tiền vào việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc, trong khi nó không còn có thể sử dụng (theo ý muốn của Mỹ). Kết quả là ngành công nghiệp của Đức sẽ trở nên không có khả năng cạnh tranh.
Nhà phân tích cho rằng trong thời gian tới, Đức sẽ phải đối diện tình trạng số lượng doanh nghiệp tuyên bố phá sản tăng lên, việc làm suy giảm, đất nước sẽ đối mặt với suy thoái kinh tế và giảm mức sống.
“Đức là nước có nền kinh tế công nghiệp phát triển nhất ở châu Âu. Việc sản xuất thép, hóa chất, ô tô và các hàng hóa khác phụ thuộc nhiều nhất vào nhập khẩu khí đốt, dầu và kim loại của Nga (từ nhôm đến titan và paladium)".
"Tuy nhiên, bất chấp hai đường ống dẫn khí Nord Stream được xây dựng để cung cấp năng lượng với giá rẻ, Đức vẫn được yêu cầu từ bỏ khí đốt của Nga và phi công nghiệp hóa. Điều này sẽ gây ra thiệt hại cho Berlin”, nhà báo Hudson nói rõ.
Chuyên gia phân tích Hudson lưu ý rằng các chính trị gia thường hành động vì lợi ích của đất nước họ, nhưng trong trường hợp của Đức, điều này không đúng như vậy.
Nhà nước châu Âu này bị nhận xét đã không còn làm chủ vận mệnh của chính mình, ngành công nghiệp bị phụ thuộc hoàn toàn vào ngành dầu khí của Mỹ.
Thật kỳ lạ, Berlin đang làm điều này một cách tự nguyện - không phải vì lực lượng quân sự, mà vì niềm tin vào ý thức hệ rằng các nhà hoạch định Mỹ nên điều hành nền kinh tế toàn cầu.
Do đó, Đức đã trở thành một vệ tinh kinh tế của Mỹ trong cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" chống lại Nga. Và Berlin hóa ra lại là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất trong sự phân chia toàn cầu thành phương Tây và phương Đông.
Việt Dũng