Mỹ đề nghị Brazil, Trung Quốc tham gia gìn giữ hòa bình tại Ukraine
Ngày 18-2 (giờ Việt Nam), theo hãng thông tấn TASS, giới chức Mỹ đang đề xuất các quốc gia không thuộc châu Âu như Brazil hoặc Trung Quốc gửi binh sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine sau khi xung đột kết thúc.
Washington nhận định, hòa bình ở Ukraine sẽ được bảo đảm hơn nếu có sự hiện diện của lực lượng đến từ quốc gia khác, bên cạnh quân đội phương Tây dọc theo ranh giới ngừng bắn.
Tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cũng đã tuyên bố, một lực lượng chỉ bao gồm binh sĩ châu Âu sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn trong ứng phó với Nga.
Trước đó, Pháp đã đề xuất triển khai quân đội châu Âu ở xa phía sau tiền tuyến nhưng không nhất thiết phải cam kết tham gia bất kỳ cuộc chiến nào trong tương lai với Nga. Anh cũng tuyên bố sẵn sàng gửi quân đến Ukraine để bảo đảm thực hiện thỏa thuận hòa bình, trong khi Thụy Điển không loại trừ khả năng tương tự.
Hồi tháng 1, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã xem xét kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine. Tuy nhiên, ý tưởng này có thể khiến lực lượng trên bộ của châu Âu bị phân tán, tạo ra những khoảng trống trong các tuyến phòng thủ của khối quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Đàm phán hòa bình Ukraine đang là chủ đề nóng trên chính trường quốc tế. Ảnh: Diego Herrera/Tân Hoa xã
Ngoài ra, một số quan chức phương Tây lo ngại, ý tưởng điều động lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine có thể gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan, buộc châu Âu phải lựa chọn giữa việc chỉ theo dõi hoặc chủ động đối đầu với các hoạt động quân sự tiềm tàng của Nga.
Đối với kế hoạch kể trên, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết sẽ phản đối việc Ukraine gia nhập NATO và không điều động quân đội đến quốc gia Đông Âu.
“Liên minh châu Âu không thể đưa ra quyết định về việc tham gia của quân đội nước ngoài vào hoạt động gìn giữ hòa bình ở quốc gia thứ ba. Điều này chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở một nghị quyết của Liên hợp quốc hoặc thỏa thuận song phương giữa Ukraine với các quốc gia muốn gửi quân”, Thủ tướng Robert Fico nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nhận định, còn quá sớm để thảo luận về sự tham gia của lực lượng vũ trang quốc gia này vào một nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tiềm năng ở Ukraine.
“Thật không may, chúng ta vẫn còn rất xa mục tiêu này”, hãng thông tấn DPA dẫn phát biểu của Thủ tướng Olaf Scholz tại một sự kiện vận động tranh cử ở thành phố Kassel.
Liên quan đến việc Mỹ và Nga đàm phán về vấn đề Ukraine tại Saudi Arabia, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định, Kiev sẽ bác bỏ mọi thỏa thuận không có sự tham gia của quốc gia này.
“Chúng tôi không thể công nhận bất cứ điều gì hoặc bất kỳ thỏa thuận nào mà không có chúng tôi”, Tân Hoa xã dẫn lời nhà lãnh đạo Ukraine, ngày 17-2 (giờ địa phương).
Tổng thống Zelensky nêu rõ, việc ông thăm chính thức Saudi Arabia trong ngày 18-2 không liên quan đến những hoạt động giữa Mỹ và Nga tại quốc gia này.