E-6B Mercury được gọi là máy bay "ngày tận thế" của hải quân Mỹ, chiếc máy bay trị giá 141 triệu USD này có nhiệm vụ duy trì liên lạc khi xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Truyền thông Mỹ hôm 26/1 công bố ảnh máy bay E-6B Mercury mã hiệu 164387 cất hạ cánh ở bang Arizona với lớp sơn bong tróc toàn thân.
"Lớp sơn phủ trên máy bay E-6B mã hiệu 164387 không kết dính được với sơn lót bên dưới. Chúng tôi đang điều tra nguyên nhân và tìm giải pháp phù hợp. Máy bay vẫn đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ", Văn phòng Chương trình Chỉ huy, Kiểm soát và Liên lạc Chiến lược trên không thuộc Bộ tư lệnh Hệ thống Hàng không Hải quân Mỹ (NAVAIR) cho hay.
Được biết E-6 Mercury là một trong những loại phi cơ quan trọng nhất của quân đội Mỹ, vừa là trạm duy trì liên lạc, vừa là trung tâm chỉ huy phản công độc lập trong trường hợp nước này bị tấn công hạt nhân phủ đầu.
Phiên bản nâng cấp E-6B được trang bị tổ hợp liên lạc vô tuyến siêu cao tần, có khả năng khai hỏa tên lửa đạn đạo trong các hầm chứa từ xa.
Tổ bay thường gồm 22 người trong các nhiệm vụ chỉ huy trên không, trong đó có một đô đốc hoặc sĩ quan cấp tướng.
Quân đội Mỹ duy trì ít nhất một chiếc E-6B thường xuyên trực chiến trên không ở mọi thời điểm.
Chúng bay vòng tròn trên biển ở tốc độ thấp nhất trong thời gian tới 10 giờ.
Hiện loại máy bay này đang được trang bị cho Phi đội trinh sát VQ-3 và VQ-4 để thực hiện nhiệm vụ liên lạc TACAMO (TAke Charge And Move Out).
Điều này nhằm chỉ huy và giữ liên kết với lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ.
Được phát triển từ khung thân Boeing 707, E-6 Mercury có tầm bay hơn 11.000 km, thời gian hoạt động liên tục 15 giờ hoặc lên đến 72 giờ nếu được tiếp nhiên liệu trên không.
Bình thường phi hành đoàn của E-6 Mercury bao gồm 2 phi công, 1 hoa tiêu, 5 sĩ quan, 9 nhân viên hàng không và 4 học viên TACAMO.
Nếu thực hiện nhiệm vụ trạm chỉ huy trên không (Airborne Command Post/ABNCP) thì sẽ gồm 5 sĩ quan hải quân, 9 nhân viên hàng không và 8 sĩ quan chỉ huy theo quyết định của Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ.
Khi thực hiện TACAMO, E-6 bay độc lập và triển khai nhiệm vụ trong khoảng 15 ngày. Phi hành đoàn sẽ chia làm 2 nhóm và tự phân bổ thời gian để hỗ trợ nhau.
Nhiệm vụ đòi hỏi sự cảnh giác cao 24/24 giờ nhằm giữ vững kết nối thông tin ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Trong nhiệm vụ trạm chỉ huy trên không ABNCP, theo chỉ dẫn của USSTRATCOM, 2 chiếc E-6 sẽ bay đến căn cứ không quân Offutt.
Tại đó máy bay cùng với sĩ quan chỉ huy chiến đấu của Không quân Mỹ và các thành phần ALCS (Airborne Launch Control System/Hệ thống Kiểm soát phóng trên không) sẽ được đặt trong tình trạng báo động.
Việc bảo trì hệ thống được thực hiện bởi đội ngũ kỹ thuật dưới đất và nhân viên kỹ thuật trong chuyến bay.
Tổng cộng 16 máy bay E-6 đã được sản xuất, nhưng không rõ hiện còn bao nhiêu chiếc đủ khả năng vận hành.
Mỹ cũng chưa phát triển được dòng phi cơ thay thế, khiến những chiếc E-6B Mercury vẫn giữ vai trò chủ chốt trong hệ thống răn đe và trả đũa hạt nhân của nước này.