Mỹ đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực

Các ngành công nghiệp tại Mỹ đang phải đối mặt với sự trì trệ trong chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu nhân lực và địa điểm để xây dựng các khu công nghiệp do nhiều thập kỷ thuê ngoài, cũng như chưa thực sự chú trọng đến nghiên cứu sản xuất, đào tạo.

Lĩnh vực sản xuất nguy cơ suy yếu

Dữ liệu khảo sát mới nhất cho thấy, hoạt động sản xuất của Mỹ đã duy trì ở mức thấp nhất kể từ tháng 5.2020 do số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng giảm. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị lạm phát, khiến ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất nhiều lần nhằm giảm bớt nhu cầu và kiềm chế chi phí gia tăng. Mặc dù nền kinh tế trong nước phần lớn đã đứng vững, nhưng cũng có động thái cho thấy các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang đang tác động đến nhiều lĩnh vực điển hình như sản xuất, thêm vào các yếu tố rộng lớn hơn như hoạt động toàn cầu đang chậm lại.

Chỉ số sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) đã giảm 0,6 điểm xuống 48,4% trong tháng 12. Chủ tịch cuộc khảo sát sản xuất của ISM, Timothy Fiore cho biết, chỉ số quản lý mua hàng của ngành sản xuất cũng vẫn ở mức thấp nhất sau đại dịch Covid-19. Nhà kinh tế học Oren Klachkin của Oxford Economics cho biết, các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và thị trường lao động yếu hơn sẽ làm giảm nhu cầu hàng hóa trong nước, đồng thời đồng bạc xanh mạnh và nhu cầu yếu bên ngoài sẽ đè nặng lên xuất khẩu.

Thiếu hụt nhân lực có tay nghề

Người Mỹ đã quen với việc có các sản phẩm và dịch vụ chỉ bằng một cú nhấp chuột, song các vấn đề về chuỗi cung ứng trong đại dịch đã cho thấy sự nguy hiểm của việc Mỹ đã phụ thuộc quá nhiều vào hàng hóa và nguyên liệu nước ngoài - từ chip máy tính đến phụ tùng ô tô.

Mỹ từng dẫn đầu thế giới về sản xuất máy công cụ, máy chạy bằng điện và các thiết bị khác được sử dụng để cắt, tạo hình... Những điều này tạo cơ sở cho việc sản xuất các bộ phận để hỗ trợ các ngành công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ, quốc phòng, y tế và hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, vào năm 2021, theo dữ liệu Trung Quốc chiếm 31% thị phần sản xuất máy công cụ, tiếp đó là Đức và Nhật Bản, cả hai đều ở mức 13%, và Mỹ đứng thứ tư, dẫn trước Italy. Nhìn chung, các nước châu Á chiếm hơn 50% sản lượng máy công cụ toàn cầu. Sản xuất của Trung Quốc đã tăng thêm 5 tỷ đô la Mỹ từ năm 2020 đến năm 2021, trong khi tổng sản lượng của Mỹ vào năm 2021 chỉ là 7,5 tỷ đô la.

Một số chuyên gia nghiên cứu cho biết, về lâu dài Mỹ sẽ không thể phụ thuộc vào sự sẵn có của các thiết bị nhập từ nước ngoài cũng như nguồn lực, mà thay vào đó, người lao động cần được giáo dục và được đào tạo về các công cụ cũng như công nghệ sản xuất mới nhất. Cơ hội giáo dục cho nghề nghiệp sản xuất có sẵn tại nhiều trường cao đẳng cộng đồng, trường kỹ thuật và trường đại học. Sau khi được đào tạo, nhân lực lành nghề có thể có được công việc như vận hành máy, lập trình viên, nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư sản xuất, nhà thiết kế máy và doanh nhân.

Để phát triển lao động lành nghề, việc tạo ra một hệ thống giáo dục K-12 mạnh mẽ hơn, đặc biệt các môn học STEM - khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - đồng thời cung cấp các chương trình dạy nghề và học nghề cho tất cả học sinh là rất quan trọng. Nhưng giáo dục STEM của Mỹ hiện thua xa nhiều quốc gia khác. Trong số 37 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Mỹ chỉ đứng thứ 7 về khoa học và thứ 25 về trình độ toán học, tụt lại phía sau các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Estonia và Hà Lan.

Hải quân Mỹ đang bắt đầu chế tạo 12 tàu ngầm hạt nhân hàng đầu, dự kiến chiếc đầu tiên sẽ được hoàn thành vào năm 2027, song dự án này ước tính đang thiếu khoảng 50.000 công nhân lành nghề để hoàn thành. Đồng thời thiếu một chuỗi cung ứng đáng tin cậy và cơ sở hạ tầng để đóng những con tàu khổng lồ. Trong khi đó, ngành dệt may cũng đang thiếu hụt 20% công nhân và ngành chế tạo kim loại dự kiến sẽ thiếu 400.000 công nhân vào năm 2024. Chỉ riêng thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã giảm 1/3, từ 17 triệu năm 2000 xuống dưới 12 triệu vào năm 2010.

Nguồn: Americanprogess

Nguồn: Americanprogess

Nỗ lực đào tạo đang được tiến hành

Mỹ hiện đang nỗ lực để sẵn sàng đào tạo nghề cho người lao động thông qua một số sáng kiến. Các tổ chức như Hiệp hội Kỹ sư Cơ khí Hoa Kỳ (ASME), STEM For All Foundation và Next Wave STEM nhằm mục đích cung cấp khả năng tiếp cận công bằng các chương trình giáo dục STEM cho sinh viên thuộc mọi nền tảng nhằm xây dựng một thế hệ công nhân lành nghề mới.

America's Cutting Edge - một sáng kiến quốc gia về phát triển và cải tiến công nghệ máy công cụ được hỗ trợ bởi Chương trình Phân tích và Duy trì Cơ sở Công nghiệp của Bộ Quốc phòng từ Văn phòng Chính sách Công nghiệp. America’s Cutting Edge cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến và trực tiếp miễn phí, rèn luyện gia công và đo lường. Trong chương trình đào tạo gia công kéo dài một tuần, những người tham gia học cách lập trình và vận hành các máy công cụ do máy tính điều khiển, mô phỏng hoạt động của động cơ đốt trong ô tô.

Những người tham gia sẽ được học về cách thay đổi kích thước của một bộ phận, được gọi là dung sai, ảnh hưởng đến việc lắp ráp các bộ phận thành một hệ thống, mối quan hệ giữa dao động và các thông số vận hành. America’s Cutting Edge đã cung cấp chương trình đào tạo trực tuyến cho hơn 3.500 người ở tất cả 50 tiểu bang và đã mở rộng từ Tennessee đến Texas, North Carolina, West Virginia và Florida cho các chương trình đào tạo gia công trực tiếp với kế hoạch hiện diện trên toàn quốc. Mặc dù chương trình đào tạo không thể thay thế chương trình học nghề hoặc giáo dục truyền thống, nhưng nó giúp người tham gia tiếp xúc với các khái niệm gia công chính và trao quyền cho họ quyết định về bước tiếp theo trong hành trình giáo dục và nghề nghiệp của mình.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/my-doi-mat-voi-tinh-trang-thieu-nhan-luc-i313553/