Mỹ dồn dập tăng trừng phạt các công ty công nghệ Trung Quốc

Chính phủ Mỹ nhiều lần cáo buộc tin tặc Trung Quốc xâm nhập máy tính của các nhà thầu quốc phòng Mỹ để đánh cắp các thiết kế vũ khí khí tài quân sự. Ngoài ra, phía Mỹ còn cho rằng một số công ty Trung Quốc dùng những phần mềm chuyên dụng của Mỹ để thiết kế vũ khí, vi phạm mục đích sử dụng dân sự.

Ráo riết ngăn chặn trước khi quá muộn

Ông Sun Wei, một kỹ sư người Mỹ gốc Hoa của hãng sản xuất vũ khí của Mỹ Raytheon đã bị kết án 38 tháng tù hôm 17-11 vì mang thông tin của công ty sang Trung Quốc và nhiều nước khác mà không xin phép.

Từ tháng 12-2018 đến tháng 1-2019, ông Sun Wei rời Mỹ trong chuyến đi cá nhân, mang theo laptop chứa thông tin kỹ thuật quân sự vốn phải được cấp phép "xuất khẩu" trước khi mang ra khỏi quốc gia. Khi bị thẩm vấn lúc trở về Mỹ, ông Sun Wei thừa nhận đã mang theo thông tin đến Singapore, Philippines, Trung Quốc, Campuchia và Hong Kong.

Trước đó, hôm 12-11, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp ngăn chặn các khoản đầu tư từ Mỹ chảy vào những công ty bị Washington cho là có liên quan tới quân đội và các cơ quan an ninh thuộc nhà nước Trung Quốc,

Theo hãng tin Reuters, lệnh cấm này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11-1-2021. Các tập đoàn lớn của Trung Quốc như China Telecom, China Mobile và nhà sản xuất thiết bị giám sát Hikvision dự kiến sẽ bị ảnh hưởng.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố danh sách 31 công ty bị Washington xác định là thuộc quân đội Trung Quốc hoặc có dính líu quân đội Trung Quốc. Lệnh cấm đầu tư lần này còn bao gồm các công ty liên quan các cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc.

Bắt đầu từ ngày 11-1-2021, các quỹ đầu tư và cá nhân Mỹ sẽ bị cấm đổ tiền vào 31 công ty Trung Quốc nói trên. Các công ty Mỹ cũng bị cấm tiến hành các giao dịch chứng khoán với một công ty nào đó của Trung Quốc trong vòng 60 ngày kể từ lúc công ty đó bị Washington tuyên bố "thuộc quân đội Trung Quốc".

Hiện Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng trước động thái mới nhất từ Mỹ. Bắc Kinh đã nhiều lần chỉ trích các lệnh cấm của Mỹ nhắm vào những doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời cảnh báo sẽ có các biện pháp đáp trả.

 Các phần mềm cao cấp của hãng Ansys (Mỹ) được dùng rất phổ biến trong ngành công nghiệp thế giới. Các khoa học gia Trung Quốc dùng phần mềm này để giả lập tính năng khí động học của tên lửa hypersonic thế hệ mới cho Quân đội Trung Quốc - Ảnh: Ansys.com

Các phần mềm cao cấp của hãng Ansys (Mỹ) được dùng rất phổ biến trong ngành công nghiệp thế giới. Các khoa học gia Trung Quốc dùng phần mềm này để giả lập tính năng khí động học của tên lửa hypersonic thế hệ mới cho Quân đội Trung Quốc - Ảnh: Ansys.com

Khi phần mềm dân sự bị lạm dụng

Mới đây, báo South China Morning Post đã đăng một bản tin làm giới quân sự Mỹ phải đau đầu. Nội dung là Trung Quốc đã âm thầm sử dụng các phần mềm trọng yếu của Mỹ vào việc dùng trong lĩnh vực nghiên cứu và thiết kế vũ khí thế hệ mới nhất của họ.

Sự việc bị phát lộ từ một bản báo cáo nghiên cứu đăng trên chuyên san khoa học Hàng không Trung Quốc. Bản báo cáo đề cập việc nhóm nghiên cứu đã sử dụng phần mềm của Mỹ để giả lập các tính năng khí động học của một loại tên lửa tấn công siêu siêu thanh (hypersonic) có vận tốc từ Mach 5 (6.174 km/h) trở lên mà quân đội Trung Quốc đang phát triển.

Nhóm nghiên cứu này thuộc Đại học Công nghệ quốc phòng ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, đã công bố các kết quả về giải pháp điều khiển hành trình của tên lửa bằng vào dùng phần mềm của hãng Ansys Inc, một doanh nghiệp Mỹ có trụ sở ở Canonsburg, bang Pennsylvania. Ansys Inc rất nổi tiếng về các phần mềm giả lập kỹ thuật (engineering simulation) dùng trong thiết kế, thử nghiệm, mô phỏng vận hành trong lĩnh vực công nghiệp được sử dụng rất rộng rãi trên thế giới. Doanh thu năm 2019 của Ansys là 1,5 tỉ USD.

Theo các phóng sự chuyên đề của của South China Morning Post, không chỉ có đại học Công nghệ quốc phòng Trường Sa mới dùng các phần mềm chuyên dụng của Mỹ, mà còn có rất nhiều viện nghiên cứu, trường đại học Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và quốc phòng cũng thường xuyên dùng các phần mềm “made in USA” trong nghiên cứu và thiết kế các sản phẩm công nghệ và vũ khí quân sự.

Có đến 80% các phần mềm chuyên dụng cao cấp mà giới nghiên cứu Trung Quốc đang sử dụng là có nguồn gốc nước ngoài, phần lớn là của Mỹ.

Hai mươi năm trước, chính phủ Mỹ đã đưa trường đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh, gọi tắt là Beihang, vào Danh sách Đen (Entity Lists) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC).

Những doanh nghiệp và tổ chức Trung Quốc nằm trong Danh sách này muốn mua thiết bị hay phần mềm của các doanh nghiệp Mỹ phải được sự chấp thuận của Cục Công nghiệp & An ninh Mỹ (BIS), nhưng hầu hết trường hợp là bị từ chối.

DOC đưa Beihang vào Danh sách Đen vì trường này có các liên hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc. Beihang cũng bị cáo buộc là đã tìm cách đánh cắp công nghệ tên lửa Mỹ để chuyển giao cho quân đội Trung Quốc. Dù bị cấm vận nhưng Beihang vẫn tìm mọi cách thu thập các phần mềm kỹ thuật trọng yếu của Mỹ nằm trong danh mục cấm xuất khẩu cho Trung Quốc.

Mới đây, trường này đã dùng tài khoản hợp pháp của một đối tác để tải về bộ phần mềm lập trình hàng đầu MATLAB của hãng công nghệ Mỹ MathWorks. MATLAB là phần mềm rất quan trọng để xây dựng mô hình và giả lập vận hành với điểm độc đáo là có tích hợp trí tuệ nhân tạo AI, được sử dụng rất rộng rãi trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất chip bán dẫn.

Ngoài MATLAB, thông quan các đối tác, Beihang lén lút mua các phần mềm quan trọng khác của Mỹ, những phần mềm này thì những đối tượng nằm trong Danh sách Đen của Mỹ như Beihang không được phép mua nếu không có sự chấp thuận của Cục Công nghiệp & An ninh Mỹ.

Bằng cách nào đó, các đối tác của Beihang đã luồn lách né lệnh cấm để cung cấp các phần mềm bị cấm cho Beihang. Việc mua bán và tải lén phần mềm chỉ vỡ lỡ vào tháng 6-2020, sau khi hai trường đại học Công nghệ và đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân bị cắt quyền sử dụng phần mềm MATLAB do phía Mỹ đưa hai trường đại học nàỳ vào Danh sách Đen, buộc các trường phải xoay sở cách khác dù biết là bất hợp pháp.

Giáo sư Bao Yungang của Viện Khoa học máy tính Trung Quốc mô tả việc bị cắt quyền sử dụng MATLAB đối với giới công nghệ nước này là: "Chẳng khác nào một người bị cháy chân mày, vì MATLAB là phần mềm rất toàn diện, chưa có phần mềm nào có đầy đủ các tính năng như nó, và là không thể thay thế".

Công ty Mỹ tiếp tay do bị "hấp dẫn" bởi lợi nhuận?

Trước đây, các trường và nhiều tổ chức ở Trung Quốc hay dùng phần mềm bẻ khóa, nhưng hiện nay tình trạng đó đã giảm bớt rất nhiều. Lý do là đối với những phẩn mềm quan trọng, dùng hàng lậu thì không thể cập nhật những tính năng mới được phát triển dựa trên những tiến bộ công nghệ mới nhất, sửa lỗi và các bản vá bảo mật như dùng bản mua hợp pháp. Trước khi bị cấm vận, Beihang đã ký hợp đồng trị giá 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 140.000 đô la Mỹ) với công ty kinh doanh phần mềm Beijing Zhongtian Ruihe Technology để mua 1.000 tài khoản sử dụng MATLAB và 100 bộ Adobe Creative Cloud.

Đã xảy ra trường hợp một số doanh nghiệp Mỹ vì lợi nhuận, hoặc để được dễ dàng làm ăn ở Trung Quốc cũng đã tiếp tay cho việc thẩm lậu phần mềm như thế. Năm 2012, đại gia FedEx đã bị chính phủ Mỹ phạt 370.000 USD vì đã chuyển giao cho Beihang các phần mềm giả lập phi hành (flight simulator).

Thu thập kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn đối để khai thác những phần mềm trọng yếu như MATLAB là rất cần thiết. Phải mua tài khoản đăng ký hợp pháp (có trả phí) thì phía Trung Quốc mới có thể tham gia diễn đàn của các chuyên gia nước ngoài để trao đổi, tiếp nhận những thông tin và các phát kiến mới nhất, những kinh nghiệm thiết kế rất quý giá do cộng đồng này chia sẻ cùng nhau.

Dù từ lâu chính phủ Mỹ đã cố sức ngăn chặn việc thẩm lậu các phần mềm trọng yếu trong lĩnh vực công nghệ nhưng cho đến nay, hiệu quả đạt được cũng không đáng kể.

Bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc vẫn tìm được cách để sở hữu các phần mềm Mỹ vượt quá khả năng thiết kế của giới lập trình viên trong nước. Và, tình trạng “dòi trong xương dòi ra” ở Mỹ cũng đã tiếp tay cho vệc thẩm lậu các phần mềm trọng yếu sang Trung Quốc.

Các phần mềm nói trên đều thuộc diện cấm xuất khẩu sang Trung Quốc. Mới nhất là trường hợp của hãng Ansys, nhưng chưa biết phản ứng của phía Mỹ ra sao. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khuyến cáo các doanh nghiệp nước này cần phải xem xét lại cung cách giao dịch với các đối tác nước ngoài và khách hàng Trung Quốc, không để vi phạm lệnh cấm của chính phủ. Nếu một doanh nghiệp Mỹ bán những loại hàng nằm trong danh mục cấm xuất khẩu cho một bên thứ ba và bên đó bán lại cho Trung Quốc thì doanh nghiệp đó vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Dù vậy, không phải doanh nghiệp Mỹ nào cũng tuân thủ nghiêm nhặt các quy định của DOC, bởi họ không muốn mất thị trường Trung Quốc rộng lớn với đông đảo khách hàng rất chịu chi, nên họ vẫn tìm cách lách luật để cung cấp các phần mềm trọng yếu cho “mối sộp” của mình.

Theo các khoa học gia Trung Quốc có thường xuyên sử dụng phần mềm của Mỹ thì các hãng Mỹ dùng “chiêu” phân loại phần mềm để lách lệnh cấm, họ chia ra phiên bản thương mại dùng cho giới dân sự và một phiên bản khác chỉ dùng cho giới quân sự. Bằng cách này họ có thể bán cho Trung Quốc mà không sợ vi phạm luật. Phiên bản dùng cho nghiên cứu quân sự có thêm một số thuật toán bổ sung nên cho ra kết quả chính xác hơn, và chỉ có thế.

Do đó, theo phỏng vấn của South China Morning Post, một số khoa học gia Trung Quốc dấu tên cho biết chỉ cần dùng phần mềm phiên bản dành cho dân sự là đủ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, không nhất thiết phải tìm kiếm bản chuyên dụng cho quân sự.

Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào công nghệ cao phương Tây

Nhìn chung, dù trong hai thập niên qua, công nghệ Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể, nhưng nhược điểm cơ bản là họ rất yếu trong khâu thiết kế phần cứng cao cấp và lập trình phần mềm nền tảng. Bởi việc thiết kế những phần mềm nền tảng cao cấp phải tốn nhiều năm, thậm chí là vài thập niên, đòi hỏi chi phí đầu tư rất cao cùng với nguồn nhân sự chuyên môn xuất sắc nhất và một thị trường tiêu thụ có quy mô lớn để bù đắp chi phí bỏ ra.

Đây là những yếu tố mà nền công nghệ phần mềm Trung Quốc đang vừa thiếu lại vừa yếu, trong đó có cả sự nóng vội cố hữu muốn cái gì cũng là “mì ăn liền”, mau đem lại kết quả và lợi nhuận. Giới lập trình viên Trung Quốc rất giỏi trong lĩnh vực bẻ khóa phần mềm và hack máy tính nước ngoài, nhưng họ chưa đủ khả năng để xây dựng được những bộ phần mềm trọng yếu như người Mỹ.

Nhưng, trong thời đại internet toàn cầu hiện nay, rất khó để chính phủ Mỹ có thể hoàn toàn kiểm soát việc thẩm lậu phần mềm, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp kinh doanh phần mềm thứ ba bên ngoài nước Mỹ.

Đồng thời, chỉ cần một đường kết nối internet là “khách hàng chui” từ Trung Quốc có thể tải từ Mỹ hoặc đâu đó toàn bộ các phần mềm họ muốn. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là liệu các doanh nghiệp phần mềm Mỹ có chịu tuân thủ nghiêm nhặt các quy định cấm xuất khẩu của chính phủ hay vẫn tìm cách lách luật và vô hình trung “nối giáo cho giặc” chỉ vì tham món lợi nhuận nhất thời.

Do đó, chẳng những giới công nghệ Trung Quốc lệ thuộc vào những những phần mềm kỹ thuật như Ansys, MATLAB, họ còn lệ thuộc cả những phần mềm hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế chip như Cadence, Synopsys, nền tảng lập trình các ứng dụng AI như Tensor Flow, Pytorch...và nhiều phần mềm quan trọng khác, tất cả đều của Mỹ.

Đó là một trong những tử huyệt của Trung Quốc mà người Mỹ tập trung khai thác để chiếm thế thượng phong trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung đang hồi quyết liệt.

Thiện Khang

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/310912/my-don-dap-tang-trung-phat-cac-cong-ty-cong-nghe-trung-quoc.html