Mỹ đồng ý trang bị vũ khí tiên tiến cho F-16 của Ukraine

Mỹ đã đồng ý trang bị tên lửa do Mỹ sản xuất và các loại vũ khí tiên tiến khác cho hàng chục máy bay chiến đấu F-16 đang được gửi đến Ukraine, giải quyết một câu hỏi lâu nay về máy bay của phương Tây.

Tín hiệu “đèn xanh” từ Lầu Năm Góc

Đan Mạch và Hà Lan đang chuẩn bị gửi những chiếc F-16 đầu tiên do Mỹ sản xuất đến Ukraine vào mùa hè năm nay, và nhiều chiếc khác sẽ đến sau từ Bỉ và Na Uy. Nhưng cho đến nay, nguồn cung cấp vũ khí quan trọng cho những chiếc máy bay chiến đấu này vẫn chưa được giải quyết.

 Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky và Thủ tướng của Đan Mạch, Mette Frederiksen ngồi trên chiếc F-16 tại một căn cứ không quân Đan Mạch hồi tháng 8/2023. Ảnh: New York Times

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky và Thủ tướng của Đan Mạch, Mette Frederiksen ngồi trên chiếc F-16 tại một căn cứ không quân Đan Mạch hồi tháng 8/2023. Ảnh: New York Times

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với báo Wall Street Journal, dù Lầu Năm Góc hiện chỉ có khả năng sản xuất và dự trữ vũ khí hạn chế, họ vẫn sẽ cung cấp cho F-16 các loại đạn dược không đối đất, bộ dẫn đường chính xác cho bom và tên lửa không đối không tiên tiến với số lượng đủ để đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine .

“Chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ có thể cung cấp tất cả những vũ khí đó, ít nhất là với lượng quan trọng mà họ cần”, quan chức kể trên cho biết.

F-16 là một trong những vũ khí uy tín nhất mà phương Tây đã cung cấp cho Ukraine khi nước này tìm cách xoay chuyển cục diện khi phía Nga liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường. Nhưng muốn chiến đấu, những chiếc máy bay này cần có vũ khí.

"Bản thân những chiếc máy bay F16, dù có rất nhiều tính năng mạnh mẽ, vẫn sẽ vô giá trị nếu không có vũ khí”, Thiếu tướng Rolf Folland - Tổng tư lệnh Không quân Hoàng gia Na Uy, cho biết.

Các loại vũ khí cho F-16 mà Mỹ đang gửi bao gồm tên lửa không đối đất AGM-88 HARM; các phiên bản tầm xa của bộ vũ khí Joint Direct Attack Munition, thiết bị chuyển đổi bom không dẫn đường thành vũ khí thông minh; và cái gọi là “bom đường kính nhỏ phát nổ với bán kính nổ hẹp”. Ngoài ra, Mỹ sẽ gửi tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AMRAAM, và tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X cho các máy bay F-16.

Tại châu Âu, nhiều quốc gia không muốn gửi một lượng lớn vũ khí có thể phóng từ trên không trong kho vũ khí hạn chế của họ tới Kiev. Vì vậy các đồng minh đã đưa ra một giải pháp mà Lầu Năm Góc gọi là "khởi động". Một quan chức Mỹ cho biết giải pháp này có nghĩa là các quốc gia châu Âu có thể chung tiền để mua vũ khí phóng từ trên không của Mỹ để gửi tới Ukraine.

Nhưng ai sẽ vận hành những chiếc F-16?

Nhưng việc trang bị vũ khí cho những chiếc F-16 chỉ là một trong nhiều thách thức mà người Ukraine phải đối mặt khi họ nhận được máy bay. Số lượng máy bay, con số cuối cùng sẽ vào khoảng 80 chiếc, sẽ không được giao cùng một lúc. Ví dụ, máy bay của Đan Mạch sẽ được giao theo từng giai đoạn trong 8 tháng.

Mỹ và các đồng minh đã từ chối cung cấp mốc thời gian cụ thể cho các máy bay và vũ khí này vì lo ngại về an ninh.

 Một tiêm kích F-16 đang khai hỏa tên lửa không đối đất AGM-88 HARM có tầm bắn từ 25-300 km. Ảnh: Breaking Defence

Một tiêm kích F-16 đang khai hỏa tên lửa không đối đất AGM-88 HARM có tầm bắn từ 25-300 km. Ảnh: Breaking Defence

Các quan chức Ukraine đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các đồng minh vì đã cung cấp những chiếc tiêm kích F-16, nhưng đã phàn nàn riêng rằng việc họ cung cấp máy bay, giống như nhiều khoản viện trợ khác của phương Tây, đến quá muộn, với số lượng quá ít trong khi vẫn có quá nhiều hạn chế để Kiev có thể thay đổi đáng kể cán cân chiến trường.

Khi máy bay F-16 đã đến nơi, rào cản tiếp theo là phải đảm bảo có đủ phi công và nhân viên bảo trì để vận hành chúng.

Đào tạo cho F-16 là một quá trình phức tạp, và đang được tiến hành ở nhiều quốc gia. Một số phi công Ukraine bắt đầu khóa đào tạo tiếng Anh của họ ở Anh và Pháp, hai quốc gia chưa từng lái F-16. Khóa đào tạo bay đang diễn ra ở Mỹ, Romania và Đan Mạch, nhưng cơ sở Đan Mạch sẽ đóng cửa vào mùa thu năm nay để chuyển sang đào tạo trên dòng máy bay chiến đấu F-35 tiên tiến sẽ thay thế F-16 của nước này.

Các quan chức Ukraine đã thúc đẩy việc cung cấp thêm máy bay càng sớm càng tốt và đề nghị Mỹ mở rộng khả năng đào tạo. Nhưng số lượng phi công Ukraine có thể bắt đầu đào tạo là một yếu tố hạn chế đáng kể đối với số lượng máy bay có thể được gửi đi.

Dù vậy, Lầu Năm Góc vẫn đang xem xét liệu họ có thể mở rộng chương trình đào tạo tại Mỹ hay không, bằng cách tại cơ sở hiện có ở Arizona hoặc bằng cách cho phép phi công Ukraine sử dụng căn cứ không quân khác của Mỹ.

Bảo dưỡng cũng là một thách thức

Việc bảo dưỡng máy bay F-16 ở Ukraine cũng được dự đoán là sẽ rất khó khăn. Người Ukraine sẽ cần phải có nguồn cung cấp ổn định các phụ tùng thay thế để bảo dưỡng. Việc đáp ứng điều này vô hình trung lại làm khó các khoản tài trợ vũ khí khác của phương Tây, từ súng cối cho đến xe tăng.

Kế hoạch hiện tại là các nhân viên Ukraine, những người đang đào tạo để bảo dưỡng máy bay F-16, sẽ thực hiện hầu hết công việc bảo dưỡng trong nước. Theo một viên chức Lầu Năm Góc, công việc cấp cao hơn như bảo dưỡng động cơ ban đầu sẽ cần phải được thực hiện ở nước ngoài. Cũng có những cuộc thảo luận đang diễn ra về việc các nước châu Âu cử nhà thầu đến giúp bảo dưỡng máy bay F-16.

Hầu hết các hoạt động sửa chữa F-16 có thể được thực hiện gần khu vực chiến sự, nhưng cuối cùng Ukraine vẫn sẽ cần các cơ sở sửa chữa động cơ trong nước, một giám đốc điều hành doanh nghiệp quốc phòng của Mỹ cho biết. Chưa biết Kiev sẽ xây dựng cơ sở này như thế nào. Nhưng trước mắt, phía Ukraine nói rằng họ sẽ cất giữ một số máy bay ở nước ngoài.

Ngay cả khi quy trình đào tạo phi công và bảo trì được xác định, vẫn còn rủi ro đáng kể khi đưa máy bay vào chiến đấu, đặc biệt là vì các phi công Ukraine đã quen lái máy bay phản lực Liên Xô.

 Việc đào tạo đầy đủ cho một phi công F-16 của NATO mất hơn 4 năm trong khi phi công Ukraine chỉ có 1 năm để học. Ảnh: USAF

Việc đào tạo đầy đủ cho một phi công F-16 của NATO mất hơn 4 năm trong khi phi công Ukraine chỉ có 1 năm để học. Ảnh: USAF

Một phi công lái F-16 của Đan Mạch thường mất hơn 4 năm để đào tạo đầy đủ. Theo một quan chức Mỹ hiểu rõ vấn đề này, các phi công Ukraine đã mất khoảng một năm. Và không giống như các phi công F-16 của Mỹ, những người thường dành ít nhất một năm trong đơn vị của mình để rèn luyện thêm trước khi tham chiến, "những phi công Ukraine này sẽ lập tức trực tiếp tham gia chiến đấu", quan chức Mỹ kể trên chỉ ra những khác biệt.

Cũng không rõ những chiếc F-16 sẽ được sử dụng như thế nào để chống lại lực lượng Nga. Washington chắc chắn sẽ hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, như họ đã yêu cầu với các loại vũ khí khác cấp cho Kiev, một quan chức Nhà Trắng cho biết.

Tất nhiên, các phi công Ukraine hẵn sẽ muốn sử dụng F-16 để bay tới biên giới và bắn những vũ khí tiên tiến mà Mỹ viện trợ vào lãnh thổ Nga. Nhưng ngay cả khi họ bỏ qua lệnh cấm của Mỹ để liều lĩnh thực hiện điều này, thì theo một quan chức Lầu Năm Góc, chiến thuật đó không thực tế trong bối cảnh hiện tại vì mối đe dọa cực lớn từ hệ thống tên lửa đất đối không của Nga.

Các quan chức Mỹ cho biết cách sử dụng hiệu quả nhất của F-16 ở Ukraine là trong những nhiệm vụ hỗ trợ trên không, hoặc tiêu diệt các mối đe dọa trên bộ đối với quân đội ở tiền tuyến. Mặt khác, người châu Âu cho biết F-16 có thể được sử dụng để phòng không và có khả năng giúp đẩy lực lượng không quân của Nga lùi xa về phía tiền tuyến.

“F-16 sẽ không phải là viên đạn bạc” - Thiếu tướng Rolf Folland - Tổng tư lệnh Không quân Hoàng gia Na Uy, nhận định. “Nhưng nếu bạn có F-16 với vũ khí tầm xa tiên tiến, bạn có thể đẩy không quân Nga ra xa hơn. Và có lẽ đó là điều quan trọng nhất với Ukraine lúc này”.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-dong-y-trang-bi-vu-khi-tien-tien-cho-f-16-cua-ukraine-post306290.html