Mỹ đưa Inspur vào danh sách đen, sức mạnh tính toán của Trung Quốc bị tổn hại
Mỹ đưa Inspur Group vào danh sách đen thương mại sẽ hạn chế sự tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) khi công ty này cung cấp hơn một nửa số máy chủ AI tại thị trường nội địa.
Inspur Group (hãng sản xuất máy chủ AI lớn thứ hai thế giới) là 1 trong 28 thực thể Trung Quốc vừa bị thêm vào danh sách đen (danh sách thực thể) của Bộ Thương mại Mỹ cùng công ty di truyền học BGI và nhà phát triển chip Loongson. Hoạt động của các công ty này bị cáo buộc trái với lợi ích chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Mỹ.
Cổ phiếu Inspur Electronic Information Industry Co, công ty con chính của Inspur Group được niêm yết tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), giảm 10% hôm 3.3. Trong khi cổ phiếu Inspur Software, đơn vị phần mềm của Inspur Group được niêm yết tại Thượng Hải, giảm 2,6%. Cổ phiếu Inspur Digital Enterprise, công ty con của Inspur Group được niêm yết tại Hồng Kông, giảm 7,2%.
Inspur Digital Enterprise tập trung vào việc phát triển và cung cấp phần mềm cùng giải pháp cấp doanh nghiệp cho các ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm tài chính, chăm sóc sức khỏe, chính phủ, giáo dục và viễn thông. Các sản phẩm và dịch vụ của Inspur Digital Enterprise gồm điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở hạ tầng và các giải pháp chuyển đổi số.
Inspur Group ban đầu có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt vào năm 2020 khi nằm trong danh sách 20 công ty Trung Quốc bị cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tháng 6.2020, Intel tạm thời ngừng vận chuyển hàng cho Inspur Group, nhưng sau đó tiếp tục giao khi công ty Trung Quốc này không bị trừng phạt.
Việc chính quyền Biden thêm Inspur Group vào danh sách thực thể đồng nghĩa công ty có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông sẽ ngày càng khó tìm nguồn linh kiện chính từ các nhà cung cấp Mỹ, Đây là động thái sẽ cản trở sự phát triển sức mạnh tính toán của Trung Quốc.
Chẳng hạn Inspur Group là nhà cung cấp chính máy chủ AI cho Baidu, gã khổng lồ công cụ tìm kiếm đang đặt cược lớn vào các dịch vụ kiểu ChatGPT ở Trung Quốc, theo một thông điệp gửi tới các nhà đầu tư vào tháng 2. Inspur Group đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Alibaba Cloud và Tencent Holdings, đồng thời máy chủ của họ cũng được sử dụng bởi các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng ở Trung Quốc như China Mobile, theo thông báo trước đó của công ty.
Xiang Ligang, người sáng lập cổng thông tin tập trung vào viễn thông CCTime.com có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), cho biết lệnh trừng phạt Inspur Group là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ muốn giáng một đòn mạnh vào sức mạnh tính toán của Trung Quốc.
“Inspur Group là một công ty máy chủ rất quan trọng với Trung Quốc. Mỹ đang cố gắng ngăn chặn sự gia tăng sức mạnh tính toán của Trung Quốc”, Xiang Ligang nói.
Việc thiếu chip tiên tiến từ các nhà cung cấp Mỹ như Nvidia và Intel có thể là một vấn đề nghiêm trọng với Inspur Group. Trong báo cáo thường niên năm 2019, lần gần nhất Inspur Group tiết lộ các nhà cung cấp hàng đầu của mình, Nvidia được xếp ở vị trí thứ 2 trong số 5 nhà cung cấp hàng đầu, chiếm gần 8% ngân sách mua hàng của họ năm đó.
Jason Jia, luật sư tại công ty Zhong Lun có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết việc bị đưa vào danh sách đen thương mại sẽ có tác động đáng kể đến một công ty sử dụng công nghệ có nguồn gốc từ chuỗi cung ứng liên quan đến Mỹ, từ phần mềm đến phần cứng.
Theo Liu Jingfeng, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn công nghệ Jazzyear có trụ sở tại Bắc Kinh, sức mạnh tính toán và tài nguyên dữ liệu là hai trong số những công cụ quan trọng nhất khi nói đến việc thúc đẩy AI.
Các công ty internet Trung Quốc đang đua nhau công bố nhiều sản phẩm giống ChatGPT nên nhu cầu đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) sẽ “thúc đẩy nhu cầu về sức mạnh tính toán cơ bản cũng như doanh số máy chủ AI” của Inspur Group, theo một lưu ý nghiên cứu được công bố bởi hãng Huatai Securities vào tháng 2.
Mỹ cũng thêm kỳ lân AI 4Paradigm (công ty cung cấp các giải pháp AI cho các khách hàng như Ngân hàng Công thương Trung Quốc và hãng truyền thông Nhân Dân nhật báo) vào danh sách đen thương mại trong vòng mới nhất.
Mỹ phê duyệt 192 giấy phép xuất khẩu cho các công ty Trung Quốc trong danh sách đen vào đầu năm 2022
Chính quyền Biden đã phê duyệt 192 giấy phép trị giá hơn 23 tỉ USD để vận chuyển hàng hóa và công nghệ của Mỹ cho các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen thương mại trong quý 1/2022, theo một tài liệu do Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ công bố hôm 3.3.
192 giấy phép được cấp nằm trong số 242 đơn xin cấp phép được xem xét từ tháng 1 đến tháng 3.2022. 115 trong số đó được phê duyệt chứa công nghệ được kiểm soát. 19 đơn (hay 8% tổng giấy phép) bị từ chối và 31 đơn bị trả lại mà không rõ nguyên nhân.
Michael McCaul, dân biểu đảng Cộng hòa và là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, đã công bố số giấy phép hôm 3.3 sau khi tiết lộ tại phiên điều trần ngày 28.2 rằng các giấy phép trị giá hơn 23 tỉ USD đã được Bộ Thương mại Mỹ phê duyệt cho các nhà cung cấp Mỹ để bán hàng hóa và công nghệ cho các công ty Trung Quốc thuộc danh sách thực thể vào quý 1/2022.
Trong một tuyên bố hôm 3.3, Michael McCaul gọi các quyết định phê duyệt này là không thể chấp nhận được. Ông nói: “Công nghệ Mỹ quan trọng này sẽ phục vụ cho các nỗ lực giám sát và quân sự của Trung Quốc”.
Theo Michael McCaul, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ “phải và có thể làm nhiều hơn nữa”.
BIS đã bảo vệ các quyết định của mình. “Mọi giấy phép được phản ánh trong dữ liệu này, chủ yếu liên quan đến xuất khẩu công nghệ cấp thấp và các mặt hàng khác không gây lo ngại đáng kể về an ninh quốc gia… đã được xem xét cẩn thận”, BIS tuyên bố, giải thích rằng các quyết định được đưa ra bởi Bộ Thương mại, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Mỹ.
Ngoài ra, BIS chỉ ra rằng các nhà xuất khẩu thông thường nộp đơn xin cấp phép có khả năng được chấp thuận cao hơn. Các giấy phép đó thường có hiệu lực trong 4 năm và một số lượng đáng kể không được sử dụng đầy đủ.
Từ tháng 11.2020 đến tháng 4.2021, các nhà cung cấp Mỹ cho Huawei nhận được 113 giấy phép trị giá 61 tỉ USD và 188 giấy phép khác trị giá gần 42 tỉ USD được phê duyệt cho SMIC (nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc), theo dữ liệu đầu tiên do Reuters thu được và Michael McCaul công bố vào tháng 10.2021.
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã cho phép công bố dữ liệu mới nhất trong tuần này, nhưng Michael McCaul chỉ tiết lộ con số 23 tỉ USD tại phiên điều trần hôm 28.2 chứ không đề cập số lượng giấy phép.