Mỹ dừng xuất khẩu vũ khí cho các đồng minh, tập trung nguồn lực viện trợ Ukraine

Nhà Trắng hôm 20.6 cho biết sẽ đình chỉ xuất khẩu hệ thống phòng không cho các đồng minh và đối tác để chuyển hướng sang Ukraine.

Phát biểu với các phóng viên, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby mô tả quyết định này là “khó khăn nhưng cần thiết” và khẳng định Ukraine đang phải đối mặt với một nhu cầu rất cấp bách.

Hệ thống Patriot của lực lượng vũ trang Romania gần Biển Đen - Ảnh: AFP

Hệ thống Patriot của lực lượng vũ trang Romania gần Biển Đen - Ảnh: AFP

“Kyiv hiện đang rất cần bổ sung năng lực phòng không khi Nga tiếp tục nhắm vào cơ sở hạ tầng lưới điện của Ukraine… Tất nhiên, chúng tôi đã thông báo cho tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng rằng Mỹ đang thực hiện bước đi đặc biệt này và nỗ lực hết sức để giảm thiểu mọi tác động tiêu cực. Khi các đồng minh được thông báo rằng chuyến hàng của họ sẽ bị trì hoãn, phản hồi mà chúng tôi nhận được là ủng hộ rộng rãi… bởi vì họ biết nhu cầu ở Ukraine cấp thiết như thế nào”, ông Kirby nói.

Ông Kirby không nêu rõ các đồng minh của Mỹ sẽ phải đợi bao lâu để nhận được các đơn đặt hàng bị trì hoãn, nhưng cho biết việc ưu tiên này sẽ không ảnh hưởng đến Đài Loan hoặc Israel. Theo một quan chức chính quyền cấp cao Mỹ, đề xuất này được Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan đưa ra vào đầu tháng 4 giữa lúc các nhà lập pháp đảng Cộng hòa trì hoãn phê duyệt dự luật chi tiêu an ninh quốc gia lớn để cung cấp thêm vũ khí và hỗ trợ cho Ukraine.

Quyết định này là động thái mới nhất trong một loạt các bước gần đây của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm tăng cường viện trợ Ukraine để chống lại các đợt tấn công mạnh mẽ của Nga. Nhà Trắng trước đó đã được quốc hội phê duyệt việc chuyển giao vũ khí lớn để bổ sung lượng vũ khí đã cạn kiệt của Ukraine, hủy bỏ lệnh cấm nghiêm ngặt đối với việc sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công bên trong lãnh thổ Nga, cũng như củng cố hiệp ước an ninh 10 năm với Kyiv. Các đồng minh phương Tây của Mỹ cho biết sẽ dùng hàng tỉ USD tài sản bị phong tỏa của Nga để viện trợ nỗ lực phòng vệ ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần yêu cầu các nước phương Tây cung cấp thêm ít nhất 7 hệ thống phòng không Patriot trong bối cảnh Nga tăng cường không kích các thành phố của Ukraine trong những tháng gần đây. Đáp lại, Tổng thống Biden tuần trước tuyên bố ông cam kết cung cấp thêm hệ thống phòng không cho Ukraine, trong đó bao gồm cả các khẩu đội Patriot.

Ukraine hiện được trang bị ít nhất 4 hệ thống Patriot do Mỹ và Đức cung cấp. Đây là hệ thống duy nhất trong kho vũ khí của nước này đã chứng tỏ được khả năng bắn hạ tên lửa siêu thanh của Nga, loại tên lửa đặc biệt khó bị phát hiện và phòng thủ. Kyiv dự kiến sẽ được nhận thêm đơn vị Patriot từ Mỹ và Romania.

Ukraine đã sử dụng các hệ thống Patriot bằng cách đưa chúng đến gần tiền tuyến, mở rộng giới hạn khả năng của chúng, đại tá lục quân Mỹ Rosanna Clemente, trợ lý tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Phòng không và Tên lửa Quân đoàn 10, cho biết tại một hội nghị gần đây.

Tuy nhiên, Ukraine hiện phải nỗ lực rất nhiều để chống lại bom lượn của Nga vì chúng gần như không thể bị tiêu diệt một khi đã phóng. Giới chức Ukraine cho biết, giải pháp là nhắm vào các máy bay mang theo bom lượn, nhưng sẽ buộc phải di chuyển số lượng hệ thống Patriot đến gần biên giới Nga - khiến chúng dễ bị tấn công hơn. Về lâu dài, Ukraine hy vọng phi đội máy bay chiến đấu F-16 mà đồng minh cam kết cung cấp sẽ chứng tỏ là một đòn phản công đáng gờm trước bom lượn của Nga.

Hoàng Vũ (theo Washington Post)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/my-dung-xuat-khau-vu-khi-cho-cac-dong-minh-tap-trung-nguon-luc-vien-tro-ukraine-218646.html