Lầu Năm Góc ngày 1/3 thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán vũ khí và thiết bị quân sự cho đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Gói vũ khí này bao gồm 200 tên lửa phòng không tầm trung tiên tiến AIM-120 (AMRAAM) và 100 tên lửa không đối đất AGM-88B HARM.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc khẳng định thương vụ không làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực.
Đồng thời cho biết lực lượng quân sự Đài Loan (TQ) sẽ không gặp khó khăn nào trong biên chế những khí tài được cung cấp.
"Thương vụ sẽ góp phần nâng cao năng lực của bên mua trong hoạt động bảo vệ không phận, an ninh khu vực và khả năng tương tác với Mỹ", DSCA thông báo viết.
Thương vụ đã được thông báo cho quốc hội Mỹ để xem xét trong 30 ngày. Nếu không gặp sự phản đối từ quốc hội, hợp đồng sẽ được trình lên Tổng thống Joe Biden ký phê duyệt.
Giới chức đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục chưa bình luận về thông tin.
AIM-120 AMRAAM (viết đầy đủ là Advanced Medium-Range Air-to-Air Missile dịch ra là "tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến") là một trong những loại tên lửa không đối không hiện đại nhất thế giới, cực kỳ mạnh mẽ.
Được đưa vào phục vụ trong biên chế không quân Mỹ vào năm 1991, tên lửa này đã xuất khẩu tới khoảng 35 quốc gia trên thế giới.
Tính tới ngày nay, các máy bay chiến đấu thế giới đã thực hiện hàng ngàn phát bắn AIM-120, có tới hàng trăm chiến thắng đã được ghi công cho AIM-120.
Tên lửa không đối không AIM-120 được công ty Hughes và Raytheon của Mỹ thay nhau phát triển.
AIM-120 ra đời nhằm thay thế cho mẫu tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động AIM-7 Sparrow vốn được đánh giá là kém hiệu quả.
Đơn giá một quả AIM-120 chừng 300.000-400.00 USD với các phiên bản từ AIM-120A đến C và lên tới "giá khủng" 1,78 triệu USD/quả với phiên bản AIM-120D.
Tên lửa không đối không AIM-120 có khả năng triển khai trên hầu hết các máy bay tiêm kích do Mỹ sản xuất, ví dụ như F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon, F-22 Raptor, F-35 Lightning II; F/A-18 Hornet và cả E/F Super Hornet.
Ngoài ra, AIM-120 có thể tích hợp trên một số mẫu máy bay chiến đấu của đồng minh Mỹ như Eurofighter Typhoon, Tornado, JAS 39 Gripen, F-2, Sea Harrier...
Các phiên bản AIM-120 nhìn chung đều có kích thước tương đương nhau, sự khác biệt chủ yếu nằm ở những cải tiến động cơ, thuốc phóng, hệ thống dẫn đường...
AIM-120 có trọng lượng 152 kg, dài 3,7 m, đường kính thân 180 mm.
AIM-120 được trang bị đầu đạn nổ phá mảnh nặng 22,7 kg với phiên bản A/B và rút xuống còn 18,1 kg với phiên bản C.
Mặc dù đầu nổ của AIM-120 được cho là nhẹ hơn loại trên AIM-7, nhưng nó vẫn được đánh giá là hiệu quả, dễ dàng phá hủy hoặc gây tổn thương nghiêm trọng với mọi máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, máy bay vận tải...
AIM-120 sở hữu khả năng cơ động và tốc độ cao nhờ được trang bị động cơ rocket WPU-6/B có thể đưa AIM-120 đạt tốc độ đáng kinh ngạc - Mach 4 (tương đương 4.900 km/h) cho phép nó tiêu diệt ngay cả những máy bay chiến đấu nhanh nhất của đối phương.
Tầm bắn, phiên bản đời đầu A/B của dòng tên lửa AIM-120 chỉ đạt mức 55-75 km (khá hơn AIM-7 đạt tầm 50km).
Tuy nhiên từ phiên bản AIM-120C-5 thì tầm bắn tăng lên đến 105 km và đến AIM-120D thì tăng lên 160 km.
Sức mạnh của AIM-120 được coi là ngang ngửa và thậm chí có phần nhỉnh hơn về phạm vi tác chiến so với R-77 của Nga.
Hiện AIM-120 và các biến thể vẫn là loại tên lửa không đối không tầm trung-xa phổ biến nhất của Mỹ và phương Tây.