Mỹ 'gây choáng' khi đặt hàng sản xuất tên lửa PrSM với số lượng cực lớn
Tên lửa PrSM có thể được sản xuất với con số hàng ngàn quả, khi tổng giá trị hợp đồng lên tới 4,9 tỷ USD.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký một hợp đồng không xác định thời hạn với Tập đoàn Lockheed Martin để sản xuất tên lửa đạn đạo tầm ngắn PrSM trang bị cho các tổ hợp pháo phản lực dẫn đường M142 HIMARS và M270 MLRS.

Theo thông báo, đây là hợp đồng dạng IDIQ, tức là "thời hạn hoàn thành và số lượng không xác định", nhằm "cho phép Lục quân Mỹ có thể đưa vào biên chế tên lửa PrSM một cách hiệu quả, đồng thời giúp tăng đáng kể năng lực cho nhà sản xuất để đáp ứng nhu cầu khách hàng".

Thông tin sơ bộ cho hay, giá trị hợp đồng ước đạt 4,94 tỷ USD, trong đó Lầu Năm Góc sẽ đặt hàng tên lửa cho đến khi hết nhu cầu và thỏa thuận ngay lập tức được triển khai với lô hàng 400 quả PrSM đầu tiên.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật PrSM được phát triển như một phiên bản nâng cấp của MGM-140 ATACMS, cả hai sử dụng cùng một cơ cấu phóng, tương thích nền tảng xe tự hành của M142 HIMARS và M270 MLRS.

Điều này cho phép PrSM tích hợp vào bệ phóng M142 HIMARS (2 tên lửa trên mỗi bệ phóng), M270 MLRS (4 tên lửa trên mỗi bệ phóng), cũng như tổ hợp AML - Hệ thống dạng robot tự hành (2 tên lửa trên mỗi bệ phóng).

Ở phiên bản PrSM cơ sở, đây là tên lửa tấn công chính xác cấp 1 với tầm bắn hơn 500 km, tuy nhiên trong tương lai gần, các kỹ sư dự kiến sẽ tăng gấp đôi con số này lên 1.000 km.

Tên lửa PrSM mang đầu đạn trọng lượng chỉ 91 kg, con số này khá nhỏ nếu so với đầu đạn 300 kg của ATACMS, nhưng nhược điểm này được khắc phục bằng tầm bắn lớn hơn, số lượng tên lửa trong một lần phóng và độ chính xác vượt trội.

Những quả PrSM đầu tiên được giao hàng cho Lục quân Mỹ vào năm 2023, khi đó đạn chỉ có khả năng bắn trúng mục tiêu đứng yên, nhưng theo hợp đồng mới, loại này phải phải bắn trúng mục tiêu di động kích thước lớn như tàu thuyền.

Trên thực tế vào năm 2024, trong khuôn khổ các bài kiểm tra, 2 tên lửa PrSM được triển khai từ bệ phóng không người lái AML đã bắn trúng tàu mặt nước, theo chỉ thị mục tiêu từ một khinh khí cầu.

Hiện tại Lầu Năm Góc đang xem xét 2 phiên bản cải tiến của tên lửa gồm PrSM Increment 2 với cơ chế dẫn đường đa chế độ, còn gọi là tên lửa chống hạm trên đất liền LBASM, bên cạnh đó là PrSM Increment 3 với đầu đạn nặng hơn trong khi vẫn duy trì kích thước và tầm bắn.

Chưa dừng lại đây, hai "gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng" của Mỹ là Lockheed Martin và liên doanh Raytheon Technologies - Northrop Grumman đã bắt đầu phát triển dự án tên lửa PrSM Increment 4, kéo dài cự ly tác chiến lên tới 1.000 km.

Tương lai gần, PrSM sẽ thay thế toàn bộ MGM-140 ATACMS, hiện nay loại tên lửa trên vẫn là phương tiện chính để tấn công lực lượng mặt đất đối phương ở độ sâu chiến thuật của chiến trường.

Ngoài sản xuất phục vụ nhu cầu của Quân đội Mỹ, Tập đoàn Lockheed Martin có thể sẽ sớm xuất khẩu tên lửa PrSM cho những đồng minh thân thiết của Washington tại châu Âu nhằm tạo lập thế trận răn đe Nga.

Khi đối diện một vũ khí nhỏ gọn nhưng lại có uy lực lớn và cực kỳ khó đánh chặn như tên lửa PrSM, phòng không Nga sẽ đứng trước thách thức cực lớn, đặc biệt khi họ chưa có biện pháp chống lại ATAMCS một cách có hiệu quả.