Mỹ giảm viện trợ tài chính cho Nam Phi, nâng thuế quan với nhiều nước
Hôm qua (7/2), Tổng thống Mỹ Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cắt giảm viện trợ tài chính cho Nam Phi, với lý do không đồng tình với chính sách đất đai của quốc gia châu Phi này, cùng vụ kiện của Nam Phi chống lại đồng minh Israel tại Tòa án Công lý Quốc tế.
Nhà Trắng cho biết, Mỹ cũng sẽ xây dựng kế hoạch tái định cư cho những người nông dân Nam Phi và gia đình của họ thành người tị nạn. Mỹ sẽ thực hiện các bước để ưu tiên cứu trợ nhân đạo, bao gồm cả việc tiếp nhận và tái định cư thông qua Chương trình tiếp nhận người tị nạn của Mỹ dành cho người Afrikaner ở Nam Phi – vốn là thế hệ sau của những người da trắng định cư đầu tiên từ Hà Lan và Pháp.
Tổng thống Mỹ từng cho biết, Nam Phi đang tịch thu đất đai và một số tầng lớp người dân ở nước này đang bị đối xử “rất tệ”. Trong khi đó, tỷ phú Elon Musk gốc người Nam Phi – đồng minh của Tổng thống Trump cũng cho rằng, người Nam Phi da trăng đang là nạn nhân của luật sở hữu phân biệt chủng tộc.
Ngoài ra, Mỹ cũng không hài lòng về vụ kiện do Nam Phi đưa ra tại Tòa án Công lý Quốc tế cáo buộc Israel về tội diệt chủng khi tấn công quân sự vào dải Gaza. Nhà Trắng cho biết, đây là một ví dụ về việc Nam Phi có lập trường chống lại Mỹ và đồng minh của nước này.
Tháng trước, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa đã ký ban hành luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà nước tích thu đất đai vì lợi ích công cộng. Trước các tuyên bố của Mỹ, Tổng thống Ramaphosa khẳng định chính sách nhằm mục đích xóa bỏ sự chênh lệch về chủng tộc trong quyền sở hữu đất đai và Nam Phi sẽ không bị “bắt nạt”.
Vấn đề sở hữu đất đai luôn mang tính chính trị cao ở Nam Phi do di sản của thời kỳ thuộc địa và phân biệt chủng tộc khi người da đen bị tước đoạt đất đai và quyền sở hữu tài sản. Theo cuộc kiểm toán đất đai mới nhất năm 2017, hiện người da trắng vẫn sở hữu 3/4 đất nông nghiệp tự do tại Nam Phi, trong khi người da màu chiếm 80% dân số chỉ sử hữu 4%.
Cũng trong ngày 7/2, Tổng thống Trump cho biết ông có kế hoạch công bố mức thuế quan đối ứng đối với nhiều quốc gia vào đầu tuần tới, một bước leo thang lớn trong chiến dịch định hình lại các mối quan hệ thương mại toàn cầu có lợi cho Mỹ. Tổng thống Mỹ không nêu rõ những quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng nhưng cho biết đây sẽ là nỗ lực lớn nhằm giúp giải quyết các vấn đề ngân sách của Mỹ.
Động thái này sẽ hiện thực hóa cam kết trong chiến dịch tranh cử là áp dụng mức thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ bằng mức thuế mà các đối tác thương mại áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Tân Tổng thống Mỹ từ lâu đã phàn nàn về mức thuế 10% của Liên minh châu Âu lên ô tô nhập khẩu là cao hơn nhiều so với mức thuế 2,5% của Mỹ. Ông thường nói rằng châu Âu “không nhận ô tô của Mỹ" nhưng vẫn xuất khẩu hàng triệu chiếc về phía tây qua Đại Tây Dương mỗi năm.
Tân tổng thống Mỹ mới đây đã công bố mức thuế 25% đối với Canada và Mexico nhưng đã hoãn lại sau phản ứng tiêu cực từ các nhà đầu tư.