Mỹ 'giơ nắm đấm', EU lại 'chìa bàn tay': Phương Tây chia rẽ trong phản ứng với Nga
Giữa bối cảnh Mỹ 'giơ nắm đấm' và EU 'chìa bàn tay' với Nga, điện Kremlin có lẽ sẽ đặt câu hỏi, phải chăng phương Tây đang chơi trò nước đôi để câu giờ nhằm trang bị vũ khí cho Ukraine và xoa dịu Nga.
Mỹ “giơ nắm đấm” còn EU “chìa bàn tay”
Sau nhiều tháng tăng cường lực lượng quân sự và nhiều tuần đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang ở thời điểm bước ngoặt quan trọng. Cuộc khủng hoảng này có thể biến thành một cuộc đối đầu quân sự hoặc cũng có thể hướng đến một giải pháp ngoại giao thông qua đàm phán.
Dù là theo cách nào, Ukraine và châu Âu có thể đều phải trả những cái giá nhất định. Họ sẽ phải đưa ra nhượng bộ lớn vì hòa bình hoặc chấp nhận hy sinh lớn nếu lựa chọn chiến tranh.
Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo châu Âu như Pháp và Đức đang nỗ lực hết sức, thậm chí còn quyết tâm hơn cả Nga hay Mỹ, để chấm dứt cuộc khủng hoảng một cách hòa bình và hàn gắn khác biệt giữa những cường quốc hạt nhân, song không nhượng bộ Điện Kremlien hay chọc giận Nhà Trắng.
Giống như Mỹ, các nước châu Âu khẳng định sẽ thực hiện những biện pháp trừng phạt nặng nề nhằm chống lại Nga nếu nước này tấn công Ukraine.
Tuy nhiên, không giống như Washington, Brussels đang tránh đưa ra những lời đe dọa hay tối hậu thư để thuyết phục Nga giảm bớt sức ép quân sự ở biên giới với Ukraine và chấp nhận một lộ trình ngoại giao hướng tới hòa bình và an ninh.
Mặc dù là những nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba và thứ tư thế giới nhưng cho tới nay, Pháp và Đức vẫn hạn chế hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhằm tránh khiêu khích và chọc giận Nga.
Điều này từng khiến cho hai nước này bất đồng với Mỹ và Anh, những quốc gia đang tăng cường chuyển các trang thiết bị quân sự cho Ukraine.
Bằng cách dấy lên những cảnh báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden không muốn phương Tây và NATO lơ là cảnh giác hay chấp nhận "sống chung" với Nga. Ông Biden cho rằng "Tổng thống Putin không có linh hồn" và vì thế không thể tin tưởng nhà lãnh đạo Nga.
Trái lại, những nhà lãnh đạo thực dụng hơn ở châu Âu, đáng chú ý nhất là Đức, thì lại không quan tâm về linh hồn hay tinh thần của người Nga. Điều mà họ nghĩ đến là khí đốt và vũ khí hạt nhân của Nga. Châu Âu phụ thuộc vào Nga về năng lượng và phần lớn chỉ sở hữu những tên lửa hạt nhân tầm ngắn. EU cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Nga khi chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch thương mại.
Năm 2008, Pháp hỗ trợ làm trung gian hòa giải cho lệnh ngừng bắn Nga – Gruzia và cùng với Đức, "Định dạng Normandy" năm 2014 đã tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi trực tiếp giữa Nga và Ukraine, cũng như "dọn đường" cho các thỏa thuận Minsk theo khung của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Dù vậy, trong khi Nga hối thúc tuân thủ thỏa thuận thì Ukraine lại ngần ngại thực hiện các nội dung này, chủ yếu do cách hiểu khác nhau giữa các bên về thỏa thuận Minsk.
Hiện nay, giữa bối cảnh Mỹ "giơ nắm đấm" và EU "chìa bàn tay" với Nga, điện Kremlin có lẽ sẽ đặt câu hỏi, phải chăng phương Tây đang chơi trò nước đôi để câu giờ nhằm trang bị vũ khí cho Ukraine và xoa dịu Nga. Hoặc cũng có thể, những khác biệt của phương Tây là sự thật và Moscow có thể lợi dụng theo hướng có lợi cho mình.
Trên thực tế, phương Tây không thống nhất trong cách tiếp cận với Nga thậm chí cả khi các nước này có lập trường nhất quán trong việc ủng hộ độc lập và chủ quyền của Ukraine. Theo nhà quan sát Marwan Bishara nhận định trên Al Jazeera, nếu tính trên thang từ 0 đến 10, lập trường cứng rắn của Mỹ với Nga là 10, Anh là 8, Ba Lan là 6, Pháp là 4 và Đức là 2. Trong khi đó, Tổng thống Hungary Viktor Orban, người đang tìm kiếm đảm bảo an ninh và sự hợp tác hạt nhân lớn hơn với Nga, mức độ này là 1 hoặc thậm chí là 0.
Nhà quan sát này cũng cho rằng điện Kremlin đang khai thác những bất đồng của phương Tây để gia tăng ưu thế của mình.
Châu Âu giữa 2 siêu cường
Tổng thống Putin đã khẳng định rõ lập trường của mình trong bài phát biểu năm 2007 tại Hội nghị An ninh Munich - 16 năm sau khi Liên Xô tan rã, theo đó, cáo buộc Mỹ đang "vượt qua biên giới của mình theo mọi hướng" và chỉ trích việc sử dụng vũ lực gần như không hạn chế trong một thế giới mà không ai cảm thấy an toàn.
Trong cuộc họp báo ngày 15/2 với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Putin một lần nữa cảnh báo phương Tây về sự mở rộng của NATO, đồng thời bác bỏ những tuyên bố ngoại giao mơ hồ và những cuộc đàm phán để ngỏ mà không dẫn đến đâu.
Hướng tiếp cận của Tổng thống Putin đã khiến cho phương Tây không thể phớt lờ những yêu cầu của Nga. Châu Âu có lẽ sẽ giúp ích trong việc đàm phán về vấn đề Ukraine nhưng chỉ có Mỹ mới có thể cung cấp cho Nga những đảm bảo an ninh cần thiết liên quan đến việc mở rộng NATO, triển khai tên lửa và an ninh toàn cầu.
Có lẽ Nga đã có tính toán này khi tuyên bố rút quân khỏi biên giới với Ukraine, đồng thời để ngỏ cánh cửa ngoại giao - một bước đi có thể khiến phương Tây ngày càng chia rẽ.
Châu Âu có lẽ sẽ khẳng định rằng chiến lược ngoại giao khôn khéo của họ đang thu về thành quả và yêu cầu Mỹ tạo điều kiện để những nỗ lực ngoại giao thành công.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden, người mà cho tới nay vẫn bác bỏ những yêu cầu an ninh then chốt của Tổng thống Putin, chắc chắn sẽ gia tăng nhiều sức ép hơn với Nga, bất kể kết quả ra sao và kiên quyết cho rằng châu Âu nên từ bỏ tất cả kế hoạch tự trị chiến lược, đồng thời tiếp tục đứng phía sau Mỹ trong một mặt trận thống nhất nhằm chống lại Nga và Trung Quốc./.