Mỹ giúp Thái Lan phát triển lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ

Ngày 19-11, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố nước này sẽ giúp Thái Lan phát triển năng lượng hạt nhân thông qua dự án triển khai các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ mới. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Ngày 19-11, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố nước này sẽ giúp Thái Lan phát triển năng lượng hạt nhân thông qua dự án triển khai các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ mới.

Thái Lan trong những năm qua không phát triển điện hạt nhân do người dân của quốc gia Đông Nam Á này lo ngại về nguy cơ rò rỉ phóng xạ sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản hồi năm 2011. Nhà Trắng nêu rõ Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Thái Lan để triển khai các lò phản ứng mô-đun nhỏ. Những lò phản ứng như vậy thường được coi là an toàn hơn so với các lò phản ứng hạt nhân truyền thống vì chúng không cần sự can thiệp của con người để đóng cửa trong trường hợp khẩn cấp. Trong tuyên bố, Nhà Trắng cho biết các chuyên gia Mỹ sẽ phối hợp với Thái Lan để triển khai các lò phản ứng có “tiêu chuẩn cao nhất về an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân” với diện tích đất sử dụng nhỏ hơn so với các nhà máy điện hạt nhân truyền thống.

COP27: Thông qua thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng

Sau các cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài suốt đêm, sáng sớm 20-11 (giờ địa phương), Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), do Ai Cập đăng cai tổ chức tại thành phố Sharm El-Sheikh, đã thông qua thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng của COP27 tại phiên toàn thể bế mạc.

Phiên họp toàn thể đã thông qua điều khoản về việc thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” để giúp các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Nội dung liên quan quỹ “tổn thất và thiệt hại” không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, song nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến đây thành chủ đề được quan tâm nhất tại COP27. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chỉ riêng lũ lụt ở Pakistan đã gây thiệt hại về kinh tế lên tới 30 tỷ USD. Theo một nghiên cứu vào năm 2018, tùy thuộc vào mức độ mà thế giới cắt giảm lượng khí thải carbon, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu có thể khiến các nước đang phát triển tổn thất từ 290-580 tỷ USD/năm vào năm 2030, và từ 1.000-1.800 tỷ USD vào năm 2050.

EU đặt mua 2 triệu liều vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ

Cơ quan Phòng ngừa và Ứng phó khẩn cấp y tế châu Âu (HERA) vừa ký hợp đồng khung mua sắm chung với Công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch, theo đó đặt mua 2 triệu liều vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ trong giai đoạn 2023-2024.

Hợp đồng nói trên đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu trung và dài hạn của 14 nước tham gia mua chung, đồng thời bổ sung cho nỗ lực trong những tháng gần đây của HERA cũng như Cơ quan Điều hành Kỹ thuật số và Y tế châu Âu (HaDEA) nhằm mua hơn 334 nghìn liều vắc-xin bằng nguồn quỹ của Liên minh châu Âu (EU) để đáp ứng nhu cầu tức thời của các quốc gia thành viên. Ngoài mua vắc-xin, quỹ này cũng chi mua hơn 10 nghìn liều tecovirimat, một loại thuốc điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Trong hợp đồng ký với HERA, Công ty Bavarian Nordic đặt kế hoạch bắt đầu tiến hành các đợt giao hàng đầu tiên theo hình thức mua chung vào quý II-2023./.

PV

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202211/my-giup-thai-lan-phat-trien-lo-phan-ung-hat-nhan-mo-dun-nho-2554209/