Mỹ gửi quân đến gần Sudan, chuẩn bị kịch bản sơ tán đại sứ quán
Lầu Năm Góc ngày 20/4 thông báo sẽ triển khai thêm binh sĩ và thiết bị đến một căn cứ hải quân ở Djibouti, thuộc Vịnh Aden, để đảm bảo an toàn và chuẩn bị cho kịch bản sơ tán nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Sudan.
Theo AP, hai quan chức Mỹ nói rằng động thái này của Washington là cần thiết vì tình hình Sudan diễn biến phức tạp vì các cuộc giao tranh ác liệt giữa hai phe tham chiến.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Tổng thống Joe Biden đang theo dõi sát tình hình tại Sudan và sao có thể đã đưa ra quyết định chuẩn bị cho một cuộc sơ tán “trong vài ngày qua”. Quan chức này nói rằng ông Biden “đã ủy quyền cho quân đội bố trí trước lực lượng, sẵn sàng làm nhiệm vụ tại khu vực”.
“Không có dấu hiệu nào cho thấy có bên nào đang cố tình theo đuổi và cố gắng làm tổn thương hoặc nhắm mục tiêu vào công dân Mỹ. Nhưng rõ ràng đây là một tình huống nguy hiểm”, ông Kirby nói.
Trong khi đó, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết, tình hình vẫn chưa an toàn để thực hiện bất kỳ cuộc sơ tán nào, nhưng nhấn mạnh rằng tất cả nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Sudan đều an toàn. Quan chức này cũng nói rằng ngay cả những nhân viên chưa kịp sơ tán đến địa điểm an toàn thì đã được hướng dẫn trú ẩn tại nơi ở trong nhà của họ.
Theo các quan chức Mỹ, có khoảng 70 nhân viên công dân Mỹ tại đại sứ quán ở Khartoum. Ngoài ra, có khoảng 16.000 công dân Mỹ đã đăng ký với đại sứ quán là đang ở Sudan, nhưng Bộ Ngoại giao cảnh báo rằng con số đó có thể không chính xác vì nhiều người không thông báo với đại sứ quán khi họ rời đi.
Sudan đang xảy ra cuộc giao tranh quyền lực giữa quân đội chính quy Sudan do tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh bán quân sự (RSF) do tướng Mohamed Hamdan Daglo chỉ huy. Các cuộc đụng độ giữa hai bên bắt đầu diễn ra từ ngày 15/4.
Tại thời điểm xung đột nổ ra, Mỹ đã dự định sơ tán nhân viên chính phủ và ngoại giao, tập hợp họ đến địa điểm tập trung và an toàn. Các quan chức cho biết Djibouti, một quốc gia nhỏ trên Vịnh Aden, nằm giữa Ethiopia, Eritrea và Somalia, sẽ là điểm khởi đầu cho bất kỳ hoạt động sơ tán nào.
Tuy nhiên, hoạt động sơ tán nào trong hoàn cảnh hiện tại đều gặp nhiều khó khăn và rủi ro an ninh vì sân bay của Khartoum vẫn không hoạt động, trong khi các tuyến đường bộ từ thủ đô đến biên giới rất dài và nguy hiểm ngay cả khi không có chiến sự hiện tại.
Nếu máy bay của Mỹ không thể tìm thấy bãi đáp an toàn trong hoặc gần Khartoum, một lựa chọn sẽ là đưa những người sơ tán đến Cảng Sudan trên Biển Đỏ. Tuy nhiên, đây là chuyến đi kéo dài 12 giờ, trên quãng đường dài 841 km cũng được đánh giá là rất nguy hiểm.
Lần gần đây nhất Mỹ phải sơ tán nhân viên đại sứ quán bằng đường bộ là tại Libya vào tháng 7/2014. Khi đó, Washington đã huy động một đoàn xe quân sự lớn để chở nhân viên từ Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tripoli đến Tunisia. Mỹ cũng thực hiện nhiều cuộc sơ tán gần đây, trong đó bao gồm Afghanistan và Yemen, nhưng những cuộc sơ tán này chủ yếu được tiến hành bằng đường hàng không.