Mỹ, Hàn Quốc nỗ lực để Triều Tiên trở lại đàm phán
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Hàn Quốc Suh Hoon đã tái cam kết cùng phối hợp để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Yonhap dẫn thông báo từ Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc cho biết, trong cuộc gặp với ông Suh Hoon ở thủ đô Washington (Mỹ) ngày 12-10, ông Sullivan nhấn mạnh rằng Mỹ không theo đuổi chính sách thù địch với Triều Tiên. “Lập trường của Mỹ là sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu mà không có điều kiện tiên quyết”, thông báo khẳng định.
Tại cuộc gặp trên, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cũng ghi nhận hai bên đã không ngừng tham vấn về các vấn đề Triều Tiên, trong đó có các nỗ lực ngoại giao ở tất cả các cấp, để can dự với Bình Nhưỡng kể từ khi Washington công bố chính sách đối với nước này. Đồng thời, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ về những cách thức cụ thể về vấn đề này trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Suh Hoon nhận định phía Mỹ bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ đối thoại liên Triều nhằm tạo các đột phá mới, tin tưởng có thể đạt được tiến bộ thiết thực nếu Triều Tiên tham gia tích cực hơn vào đối thoại giữa hai miền cũng như đối thoại với chính quyền Washington. Ngoài ra, Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc đã thông báo với phía Mỹ về những nỗ lực của Seoul nhằm chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và cho biết sẽ tham vấn chặt chẽ với Washington về vấn đề này.
Chuyến thăm Mỹ lần này của ông Suh Hoon diễn ra sau một loạt sự kiện liên quan đến Triều Tiên. Có thể kể đến là việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un khẳng định chương trình phát triển vũ khí của nước này chỉ để tự vệ và không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào, đồng thời đổ lỗi cho Mỹ về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên được đưa ra sau những tuần gần đây Triều Tiên thử nghiệm một số loại tên lửa.
Dù vậy, một tín hiệu tích cực cũng xuất hiện, đó là việc Seoul và Bình Nhưỡng chính thức khôi phục đường dây liên lạc giữa hai nước. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho rằng đây là một nỗ lực nhằm thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên đã nối lại đường dây liên lạc vào tháng 7-2021 sau hơn một năm bị đình trệ. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau, Bình Nhưỡng tiếp tục cắt liên lạc để phản đối các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ.
Trước đó, vào trung tuần tháng 9, đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc hội đàm ba bên cũng như song phương tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, trong đó tập trung tìm hướng đi mới cho nỗ lực nối lại đối thoại với Triều Tiên. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau các vụ phóng tên lửa vừa qua của Bình Nhưỡng cũng như báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, một lò phản ứng hạt nhân của nước này có dấu hiệu hoạt động trở lại.
Hiện tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đang bế tắc kể từ cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa lãnh đạo hai nước năm 2019 không mang lại kết quả rõ rệt. Cuối tháng 9 vừa qua, Washington cho biết sẵn sàng gặp các quan chức Triều Tiên “vô điều kiện” nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thẳng thừng từ chối. Đến nay, cánh cửa đàm phán đó vẫn để ngỏ. Triều Tiên vẫn tiếp tục nâng cao năng lực quân sự của mình với lý do đây là điều cần thiết để chống lại điều mà Triều Tiên cho là “chính sách thù địch” của Mỹ.