Mỹ Hạnh Bắc hôm nay
Nhắc về cuộc kháng chiến chống Mỹ, không thể không nhắc đến vùng đất anh hùng Mỹ Hạnh (nay là xã Mỹ Hạnh Bắc và xã Mỹ Hạnh Nam), huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng con người nơi đây vẫn kiên cường, bám trụ, 'sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc',... Biến nơi đây thành tuyến xuất phát tiến công của quân ta từ hướng Tây vào Sài Gòn (nay là TP. HCM) trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (năm 1975), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tô đậm truyền thống 'Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc'.
Bền bỉ, đấu tranh - Diệt ác, phá kìm
Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), xã Mỹ Hạnh là một trong những nơi có chi bộ được thành lập sớm ở Nam Bộ (4/1930). Dù vậy, chi bộ xã có đội ngũ đảng viên khá đông đảo (12 đồng chí). Sau khi thành lập, chi bộ Đảng gánh vác nhiệm vụ nặng nề là lãnh đạo Nhân dân toàn xã đấu tranh quyết liệt chống lại kẻ thù. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Mỹ Hạnh vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ngay từ những ngày đầu, dân và quân xã Mỹ Hạnh đã đấu tranh chính trị sôi nổi, kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công, tiến tới khởi nghĩa vũ trang nhằm giải phóng toàn xã. Bền bỉ, đấu tranh, diệt ác, phá kìm, tiêu diệt sinh lực địch, phát huy tích cách văn hóa của con người Nam Bộ: Trọng nghĩa, khinh tài, ngang tàng, táo bạo,... Nhân dân Mỹ Hạnh kiên trì bám trụ trên quê hương, kiên cường đánh Mỹ, diệt ngụy, kết hợp tiến công và nổi dậy, góp phần giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mỹ Hạnh Bắc - Nguyễn Hoàng Vũ cho biết, Mỹ Hạnh Bắc là một trong những xã được 2 lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Hiện nay, xã có nhiều di tích thể hiện truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước đã có từ xưa như Di tích đình thần Mỹ Hạnh, đặt bia ghi ơn các anh hùng liệt sĩ và bia kỷ niệm nơi thành lập lực lượng giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa; Di tích mộ và đền thờ Nguyễn Văn Quá, người đã cùng lãnh binh Phan Văn Hớn lãnh đạo cuộc khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu vào ngày 08/02/1885.
Bên cạnh đó, di tích Bàu Tràm là nơi ghi dấu một chiến công của quân, dân Long An. Vào đêm 11, rạng sáng 12/5/1968, Trung đoàn 2 và Sư đoàn 9 quân giải phóng phối hợp cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích xã Mỹ Hạnh tấn công tiêu diệt cụm xe tăng, xe bọc thép ở Bàu Tràm, xã Mỹ Hạnh. Sau hơn 3 giờ chiến đấu, quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa, diệt hơn 300 lính Mỹ, phá hủy 96 xe tăng, xe bọc thép, 12 khẩu pháo và bắn hư hỏng 7 máy bay, góp phần vào thắng lợi chung trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Hiện nay, di tích lịch sử Bàu Tràm đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Vượt qua khó khăn - Vươn lên phát triển
Sau ngày giải phóng, năm 1979, xã Mỹ Hạnh Bắc chính thức tách ra từ xã Mỹ Hạnh (cũ). Trải qua những năm tháng gian khổ, đầy thử thách bởi hậu quả chiến tranh, người dân Mỹ Hạnh Bắc đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cấp ủy Đảng, sự đồng lòng của Nhân dân, đến năm 2022, Mỹ Hạnh Bắc đã vinh dự được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Ông Nguyễn Hoàng Vũ chia sẻ: “Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực tam nông, thể hiện “ý Đảng, lòng dân” và đáp ứng được mong mỏi của toàn xã hội được cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai, thực hiện một cách tích cực, chủ động và được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Thành quả này là niềm tự hào to lớn, khích lệ và tiếp thêm sức mạnh cho cả hệ thống chính trị và người dân Mỹ Hạnh Bắc xây dựng xã nhà đạt chuẩn NTM nâng cao trong thời gian tới”.
Đến nay, các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã đã được đầu tư và nâng cấp một cách đáng kể. Toàn xã Mỹ Hạnh Bắc có 3 tuyến đường xã với chiều dài 11,3km, chiều rộng nền đường 12m, chiều rộng mặt đường 6m, được nhựa hóa bảo đảm ôtô đi lại thuận tiện. Toàn xã có 40 tuyến đường trục ấp, tổng chiều dài 37,6km, chiều rộng nền đường 5-12m, chiều rộng mặt đường 3,5 - 6m, tất cả đều được nhựa hóa, cứng hóa, bố trí nhiều điểm tránh xe, trồng nhiều cây xanh,... tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, phát triển KT-XH của địa phương, tạo cảnh quang môi trường.
Chính quyền xã cũng quan tâm, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn. Hiện nay, xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của xã với diện tích 2600m2. Tất cả các ấp đều có nhà văn hóa bảo đảm hoạt động, xây dựng theo tiêu chuẩn nhà cấp 4, có đủ trang thiết bị cần thiết như bàn, ghế, âm thanh, ánh sáng,… Xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định, có sân bóng đá mini và các công viên, khu giải trí, bảo đảm các nhu cầu thiết yếu về giải trí cho Nhân dân.
Sinh ra và lớn lên sau ngày giải phóng, Bí thư Đoàn xã Mỹ Hạnh Bắc - Trần Hữu Nghị luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước. Trong suốt quá trình hoạt động Đoàn, anh luôn nỗ lực truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng và lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do.
Anh Nghị chia sẻ: “Là thanh niên, chúng ta cần phát huy hơn nữa tinh thần xung kích, tình nguyện trong học tập, lao động sản xuất, đến phát triển kinh tế, đặc biệt là sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc khi Tổ quốc cần, chung sức cùng nhau xây dựng quê hương”.
Xã Mỹ Hạnh Bắc là mảnh đất anh hùng, ghi dấu ấn lịch sử oanh liệt của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, kiên cường bất khuất của dân và quân ta trước kẻ thù. Ký ức về những ngày tháng chiến tranh ác liệt vẫn còn sống mãi trong tâm trí của người dân Mỹ Hạnh Bắc. Đó là nguồn động lực to lớn để họ tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/my-hanh-bac-hom-nay-a175431.html