Mỹ hét giá cao, Bulgaria quay lại dùng hàng Nga
Không quân Bulgaria vừa tiếp nhận lô linh kiện dành cho tiêm kích MiG-29 theo hợp đồng ký kết với nhà sản xuất MiG của Nga năm 2020.
Thông báo của hãng MiG cho biết, việc chuyển giao các bộ phận của tiêm kích MiG-29 cho Bulgaria đã được thực hiện sớm hơn quy định.
"Trong cuộc đàm phán diễn ra hồi tháng 8/2021, lãnh đạo Không quân Bulgaria (BAF) và hãng MiG đã đồng ý bàn giao các bộ phận cấu thành cho máy bay MiG-29 trước thời hạn. Tuần trước, chúng tôi đã gửi lô thiết bị kỹ thuật hàng không cuối cùng theo hợp đồng còn", hãng MiG cho biết.
Bộ Quốc phòng Bulgaria đã ký hợp đồng trị giá 4,68 triệu USD vào tháng 1/2020 với hãng MiG để mua một số thiết bị cho phi đội MiG-29 hiện có. Theo điều khoản ký kết, phía MiG bắt đầu chuyển giao linh kiện cho Bulgaria trong vòng 17 tháng.
Sẽ không có gì đáng bàn về thương vụ này của Bulgaria nếu trước đó, quốc gia thành viên NATO này đã muốn loại bỏ toàn bộ chiến đấu cơ có nguồn gốc Liên Xô như MiG-29 để thay thế bằng máy bay hợp chuẩn của khối quân sự này hơn.
Và ứng cử viên số 1 mà Bulgaria hướng tới chính là những chiếc F-16 đã qua sử dụng của Mỹ. Sau một số cuộc đàm phán giữa đôi bên hồi năm 2019, Washington đã khiến Sofia vỡ mộng vì mức giá đắt đỏ 1,26 tỷ USD cho 8 chiếc F-16 cũ này.
Với mức giá Mỹ đưa ra, nếu chấp thuận mua, trung bình Bulgaria sẽ phải bỏ ra số tiền lên tới trên 150 triệu USD cho 1 chiếc F-16 đã qua sử dụng (bao gồm cả linh kiện thay thế). Mức giá này đắt hơn nhiều tiêm kích tàng hình F-35 được được Mỹ chào bán từ 85 đến 100 triệu USD tùy phiên bản (chưa bao gồm vũ khí).
Lý do của Mỹ đưa ra cho mức giá "cắt cổ" bởi F-16 bán cho Bulgaria thuộc phiên bản F-16 Block 70/72 sở hữu những tính năng kỹ chiến thuật được đánh giá là vô địch trong phân khúc tiêm kích nhẹ thế hệ 4,5 hiện nay.
Chiến đấu cơ F-16 Block 70/72 được trang bị radar mảng pha quét chủ động (AESA) AN/APG-83 sở hữu nhiều tính năng cực kỳ ưu việt có tầm phát hiện mục tiêu tăng thêm 30%, khả năng nhận biết tổng thể chiến trường cùng với mức độ tự bảo vệ tăng lên gấp đôi.
Hệ thống điện tử hàng không áp dụng công nghệ mới nhất cùng với tổ hợp thiết bị thông tin liên lạc, điều khiển bay, hỗ trợ hạ cánh trên F-16 Block 70/72 giúp chiếc tiêm kích này có năng lực chiến đấu tiệm cận với F-35.
Theo tiết lộ từ phía Mỹ, đơn giá 1,26 tỷ USD cho lô tiêm kích F-16 trên không chỉ đơn thuần là bán máy bay mà còn bao gồm cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, phụ tùng đủ dùng suốt vòng đời 8.000 giờ bay, cũng như một cơ số vũ khí cơ bản đi kèm.
Dù kèm theo dịch vụ gì nhưng mức giá trên đã không được Bulgaria chấp thuận. "Chúng tôi chính thức hủy thỏa thuận mua bán lô 8 chiếc tiêm kích F-16 đã qua sử dụng có tổng trị giá 1,26 tỷ USD với Mỹ.
Quyết định này được đưa ra sau khi quốc hội và các quan chức quốc phòng của Bulgaria đã cân nhắc mức giá của lô tiêm kích này được Mỹ chào bán so với những dòng chiến đấu cơ khác thuộc thế hệ mới hiện nay", Tổng thống Bulgaria Rumen Radev cho biết sau khi kết thúc đàm phán với Mỹ về F-16 hồi năm 2019.