Mỹ hoán cải F-117A Night Hawk thành máy bay chiến đấu không người lái tàng hình?
Mặc dù đã được cho nghỉ hưu từ hơn 10 năm nay nhưng chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-117A Night Hawk vẫn thỉnh thoảng được nhìn thấy hoạt động trên bầu trời nước Mỹ.
F-117A Night Hawk là máy bay tàng hình đầu tiên trên thế giới được Mỹ sử dụng trong thực chiến, tuy nhiên nó lại bị loại biên từ khá sớm khi thời gian dự trữ bay vẫn còn nhiều.
Mặc dù vậy chiếc chiến đấu cơ này vẫn thỉnh thoảng được nhìn thấy hoạt động trên bầu trời Nevada, nơi đặt căn cứ tuyệt mật của Không quân Mỹ. Việc chiếc F-117A Night Hawk vẫn âm thầm hoạt động đã dẫn đến nhiều thắc mắc cũng như giả thiết của truyền thông quốc tế, nhất là về vai trò thực sự của nó.
Có thể thấy rằng tuổi đời đã khá cao nhưng F-117A vẫn là mơ ước của nhiều lực lượng không quân trên khắp thế giới khi nó sở hữu diện tích phản xạ radar ở mức rất nhỏ so với những tiêm kích thế hệ 4+ ngày nay.
Đã có ý kiến nhận xét rằng F-117A có thể tái sử dụng dưới vai trò tiêm kích chiếm ưu thế trên không nếu được lắp đặt một loại radar đối không thay vì chưa có khí tài này như hiện tại.
Khi đó trong không chiến tầm xa, F-117A sẽ có ưu thế lớn hơn nhiều loại tiêm kích hạng nặng nhờ khả năng thấy trước và bắn trước, vì ở góc nhìn chính diện thì cực khó nhận biết Night Hawk từ cự ly xa.
Nhưng ý định táo bạo trên đã bị dẹp bỏ vì việc hoán cải là rất khó khăn, ngoài ra mức độ sẵn sàng chiến đấu của F-117A quá thấp khi lớp sơn tàng hình đòi hỏi sau mỗi giờ bay cần hàng chục giờ bảo dưỡng, đây là điều không chấp nhận được với tiêm kích không chiến.
Một ý tưởng khác mới được đưa ra thời gian gần đây và cũng thu hút sự chú ý đặc biệt đó là biến chiếc oanh tạc cơ tàng hình này thành máy bay không người lái vũ trang, tương tự như những gì Mỹ là với chiếc QF-16.
F-117A khi đó có thể mang theo 2 quả bom thông minh JDAM dẫn đường thông qua GPS hoặc GBU điều khiển bằng laser để thực hiện các phi vụ oanh kích kiểu "phẫu thuật", điều mà những chiếc MQ-9 Reaper khó lòng thực hiện nổi.
Tuy vậy khó khăn cũng được chỉ ra ngay đó là thời gian hoạt động liên tục trên không của F-117A so với MQ-9 Reaper là rất thấp, nó khó lòng duy trì sự hiện diện liên tục để sẵn sàng thực hiện phi vụ săn mồi.
Tải trọng vũ khí của F-117A không người lái cũng chẳng hơn là bao khi đặt cạnh MQ-9 Reaper trong khi chi phí cho mỗi chuyến bay lại cao đến mức khó mà chấp nhận nổi.
Khi cả hai ý tưởng hoán cải F-117A Night Hawk trên đều bị nhận xét là bất khả thi thì có lẽ những chuyến bay trên bầu trời Nevada của nó chỉ nhằm mục đích thử nghiệm công nghệ mà thôi.
F-117A tỏ ra vẫn là "quân xanh" giá trị để đánh giá hiệu quả hoạt động của những hệ thống radar cảnh báo sớm hay tìm kiếm hồng ngoại mới được phát triển, nhất là khi đối thủ của Mỹ chưa có sản phẩm tương ứng.
Bên cạnh đó, kết cấu của chiếc F-117A cũng tương đối "phản khí động học" nên có thể sử dụng làm máy bay huấn luyện cho phi công lái oanh tạc cơ B-2 Spirit hay một loại chiến đấu cơ tàng hình đang được phát triển.
Hiện tại Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa đưa ra bất cứ một lời giải thích hay bình luận nào về những lần "tái xuất" trong im lặng của chiếc F-117A Night Hawk.Do vậy bức màn bí ẩn bao phủ lên chiếc chiến đấu cơ đặc biệt này vẫn ngày một dày hơn và chưa có dấu hiệu sẽ sớm được giải mật.