Mỹ họp khẩn với các nước tại G20, tên lửa rơi xuống Ba Lan 'không chắc là từ Nga'

Sáng sớm nay (16/11), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với các nhà lãnh đạo thế giới tại Bali, Indonesia sau khi 'tên lửa do Nga chế tạo' rơi xuống một ngôi làng ở Ba Lan làm 2 người thiệt mạng.

Ảnh: Guardian

Ảnh: Guardian

Theo hãng tin CNN và trang web của Nhà Trắng, cuộc họp bàn tròn khẩn cấp gồm cả Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Canada, Tây Ban Nha, Italia, Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản. Các phóng viên được phép vào phòng họp trong một thời gian ngắn để chứng kiến các nhà lãnh đạo đang ngồi ở bàn họp. Khi được hỏi, liệu ông có đưa ra thông tin cập nhật về vụ việc trên không, người đứng đầu nước Mỹ nói: "Không".

Tối qua (15/11), Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết, "tên lửa do Nga chế tạo" đã rơi xuống làng Przewodów của nước này. Tuy nhiên, thông báo của Bộ Ngoại giao Ba Lan không nêu cụ thể loại tên lửa hay nơi nó bắn đi. Trước đó, Tổng thống Mỹ đã có cuộc nói chuyện với Tổng thống Ba Lan và Tổng thư ký NATO.

Bộ Quốc phòng Nga gọi các báo cáo về việc tên lửa Nga rơi xuống Ba Lan là "cố tình khiêu khích" đồng thời bác bỏ việc nước này tấn công các mục tiêu gần biên giới Ba Lan và Ukraine.

Phát biểu sau cuộc họp khẩn, Tổng thống Mỹ nói, NATO và G7 sẽ hỗ trợ Ba Lan điều tra vụ việc trên. "Tôi sẽ đảm bảo rằng chúng ta sẽ tìm ra chính xác điều gì đã xảy ra. Tiếp đó, chúng ta sẽ cân nhắc hành động tiếp theo".

Trả lời câu hỏi liệu có phải tên lửa được phóng từ Nga hay không, người đứng đầu nước Mỹ nói: "Các thông tin sơ bộ còn đang gây tranh cãi. Tôi không muốn nói gì cho tới khi hoàn tất điều tra. Dựa trên quỹ đạo bay của tên lửa, không chắc tên lửa được phóng từ Nga nhưng chúng ta phải chờ xem".

Trong khi đó, tờ The Guardian dẫn lời Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết, không có bằng chứng thuyết phục nào để nói ai đã phóng tên lửa vào lãnh thổ Ba Lan, nhưng rất có thể đó là tên lửa do Nga sản xuất. Ông Duda nói, vụ nổ ở làng Przewodów là sự cố xảy ra một lần và không có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ tái diễn.

Sau khi tên lửa rơi xuống Ba Lan, ông Mateusz Morawiecki - thủ tướng nước này cho biết Ba Lan sẽ tăng cường giám sát không phận. "Chúng tôi quyết định tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị được lựa chọn thuộc lực lượng vũ trang Ba Lan, đặc biệt chú trọng đến việc giám sát không phận".

Hoài Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/my-hop-khan-voi-cac-nuoc-khong-chac-ten-lua-roi-xuong-ba-lan-duoc-phong-tu-nga-2081279.html