Mỹ hủy chuyến bay của hàng nghìn người đã hoàn tất quy trình vào Mỹ
Quyết định này khiến khiến hàng loạt người tị nạn bị bỏ lại dù đã hoàn tất quy trình phức tạp và phải đối mặt với nguy cơ xa cách người thân đã ở Mỹ trong thời gian dài.
Bộ Ngoại giao Mỹ đột ngột hủy chuyến bay của hàng nghìn người tị nạn đã được chấp thuận đến Mỹ, vài ngày trước thời hạn do Tổng thống Donald Trump đặt ra để đình chỉ chương trình tái định cư cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những người chạy trốn khỏi nguy hiểm, theo New York Times.
Cú sốc lớn
Động thái hủy các chuyến bay diễn ra sau một sắc lệnh hành pháp do ông Trump ký hôm 20/1, tạm dừng vô thời hạn việc tái định cư người tị nạn. Sắc lệnh này thực sự làm chậm quá trình đưa người tị nạn vào Mỹ, vốn liên quan đến nhiều cơ quan liên bang, cũng như các tổ chức phi lợi nhuận tiếp nhận những người mới đến.
Theo dữ liệu của chính phủ, hiện có hơn 10.000 người tị nạn đang trong quá trình chuẩn bị đến Mỹ. Họ bao gồm những người Afghanistan phải đối mặt với nguy hiểm vì sự liên quan với Mỹ trước khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan.
Trong số những người tị nạn khác đã được chấp thuận tới Mỹ có những người từ châu Phi, châu Mỹ Latinh và Trung Đông.
Việc dừng đột ngột các chuyến bay là một đòn đau đớn đối với những người tị nạn đã trải qua một quá trình phức tạp và kéo dài để nhập cảnh hợp pháp vào nước Mỹ.
Angela Plummer, giám đốc điều hành của Community Refugee & Immigration Services, tổ chức tái định cư người tị nạn tại Columbus, Ohio, cho biết tổ chức này đã đón đợi hàng chục người đến trên các chuyến bay vừa bị đình chỉ.
"Đây là những người đã tuân thủ mọi quy định và đang gặp nguy hiểm", bà Plummer cho biết. "Thật đau lòng".
Quyết định tạm dừng chương trình tị nạn đang diễn ra theo đúng cam kết của ông Trump về việc sẽ mạnh tay với tình trạng nhập cư.
Theo chương trình tị nạn đã có từ nhiều thập kỷ, những người chạy trốn khỏi đất nước của mình do bị đàn áp, chiến tranh hoặc các nguyên nhân đe dọa đến tính mạng khác có thể nhập cư hợp pháp vào Mỹ.
Ông Trump cho biết việc tiếp tục tiếp nhận những người như vậy sẽ gây gánh nặng cho các cộng đồng không có khả năng xử lý họ, theo sắc lệnh do tân tổng thống ký hôm 20/1. Bộ Ngoại giao đã tuân theo sắc lệnh bằng một bản ghi nhớ vào ngày 21/1 nêu rõ "tất cả chuyến đi đã lên lịch của người tị nạn đến Mỹ đều bị hủy bỏ và sẽ không đặt thêm chuyến bay mới nào".
Các tổ chức, chẳng hạn như Ủy ban Cứu hộ Quốc tế và các tổ chức khác hỗ trợ người tị nạn, lưu ý rằng "không nên đề xuất bất kỳ trường hợp tị nạn nào khác vào thời điểm này".
Hôm 22/1, các viên chức tị nạn Mỹ tại các cơ quan An ninh Nội địa, chẳng hạn như Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ, đã được yêu cầu ngừng đưa ra quyết định về các trường hợp tị nạn, theo một bản ghi nhớ nội bộ tờ New York Times có được.
Tin tức về việc chính quyền Trump hủy bỏ tiếp nhận ngay cả đối với những người tị nạn đã được phép tái định cư tại các cộng đồng trên khắp nước Mỹ đã gây sốc cho các nhà lãnh đạo của các tổ chức phi lợi nhuận được Bộ Ngoại giao ký hợp đồng để hỗ trợ những người mới đến.
"Việc dừng đột ngột việc tiếp nhận người tị nạn này là một thảm họa đối với các gia đình đã phải chịu đựng sự ngược đãi không thể tưởng tượng nổi và chờ đợi nhiều năm để có cơ hội xây dựng lại cuộc sống trong sự an toàn", Krish O'Mara Vignarajah, người đứng đầu Global Refuge, cho biết trong một tuyên bố.
"Những người tị nạn phải trải qua một trong những quy trình thẩm định nghiêm ngặt nhất trên thế giới", bà nói tiếp, "và thật đau lòng khi thấy giấc mơ tới cuộc sống an toàn của họ bị phá vỡ chỉ vài ngày, hoặc trong một số trường hợp, chỉ vài giờ trước khi họ chuẩn bị bắt đầu cuộc sống mới tại đây".
"Tôi buồn lắm khi mẹ tôi bị bỏ lại phía sau"
Eskinder Negash, chủ tịch Ủy ban Người tị nạn và Người nhập cư Mỹ, nói rằng "nhiều người đã chờ đợi nhiều năm, và trong một số trường hợp là nhiều thập kỷ, trong các trại tị nạn và đã nỗ lực trải qua quá trình xin tị nạn để được cấp phép chuyến đi".
"Ngay cả khi chương trình tị nạn được mở lại trong tương lai, việc đình chỉ vô thời hạn việc đi lại và xử lý tị nạn sẽ gây ra thương tổn lâu dài và tác động đến người tị nạn và gia đình", ông nói.
Bà Plummer cho biết nhóm của bà đã tiếp nhận các cuộc gọi từ những khách hàng đau khổ chờ đợi nhiều năm để người thân của họ đến, chỉ để nhận ra rằng viễn cảnh đoàn tụ hiện rất ảm đạm.
Trong số đó có anh Nur Ahmed, người tị nạn đến Columbus vào năm 2010, sau khi chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Somalia. Anh đã bảo lãnh cho con, em gái và mẹ của mình để đi cùng anh. Các trường hợp này đã bị đình trệ trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump. Con trai và em gái của Ahmed, cả hai đều ở độ tuổi 20, đã đến vào tuần trước, ngay trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Nhưng mẹ của anh, 70 tuổi, dự kiến tới vào đầu tháng tới và nay trường hợp này có thể bị hoãn vô thời hạn.
"Tôi rất may mắn khi con trai và em gái tôi đã đến, nhưng tôi buồn lắm khi mẹ tôi bị bỏ lại phía sau", anh nói.
Thông thường các thành viên trong cùng một gia đình được chỉ định ngày tới khác nhau và trong trường hợp này, điều đó có thể có nghĩa là nhiều năm xa cách hơn nữa.
"Ông Trump đã trì hoãn các trường hợp của chúng tôi trước đây; bây giờ ông ấy đã trở lại và ông ấy lại trì hoãn lần nữa", anh Ahmed, một tài xế xe tải xuyên quốc gia, trải lòng.
"Tất cả những gì tôi cảm thấy là đau đớn kể từ khi ông Donald Trump trở lại".
"Tôi đã không được gặp mẹ tôi kể từ khi rời quê nhà tới đây và tôi không biết khi nào tôi sẽ gặp lại mẹ", anh nói thêm trong một cuộc phỏng vấn, trong khi đang chở thực phẩm khô trên một xa lộ ở Texas.
Nằm trong khuôn khổ một loạt các sắc lệnh hành pháp nhằm cắt giảm nhập cư, ông Trump đã đình chỉ chương trình tái định cư người tị nạn kể từ ngày 27/1.
Giới chức của các cơ quan tái định cư đã hy vọng rằng những người tị nạn đã hoàn thành một quá trình kéo dài nhiều năm và hoàn tất tới công đoạn đặt vé máy bay vẫn có thể đến Mỹ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã phá bỏ chương trình tị nạn bằng cách áp dụng thêm nhiều lớp thẩm tra đối với những người nộp đơn mà ông cho là gây ra rủi ro về an ninh và hạ thấp mục tiêu về số lượng Mỹ sẵn sàng tiếp nhận.
Tổng thống đưa ra quyết định hàng năm về số lượng người tị nạn Mỹ sẵn sàng tiếp nhận trong một năm nhất định và các con số này đã thể hiện một sự thay đổi đáng kể so với các tổng thống Cộng hòa vốn theo truyền thống thường đặt ra mức giới hạn cao nhất. Số lượng người tị nạn được tiếp nhận vào Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, xuống còn khoảng 11.000 người vào năm 2020, năm cuối cùng ông Trump tại nhiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên, giảm so với mức 85.000 người vào năm 2016 dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Ông Trump ưu tiên các nhóm tôn giáo thiểu số, chủ yếu là những người theo đạo Thiên chúa da trắng từ các quốc gia như Moldova và Nga.
Tổng thống Joe Biden đã xây dựng lại chương trình và số lượng người tị nạn được tiếp nhận tăng vọt, đạt 100.000 người vào năm ngoái, mức cao nhất trong ba thập kỷ.
Lần này, ông Trump đã biện minh cho việc đình chỉ tiếp nhận người tị nạn với lý do việc này gây căng thẳng cho các nguồn lực của các thành phố cần mang lại lợi ích cho người Mỹ.
Sắc lệnh được ông Trump ký chỉ vài giờ sau khi nhậm chức cho biết: "Mỹ không có khả năng tiếp nhận số lượng lớn người di cư, và đặc biệt là người tị nạn, vào cộng đồng của mình theo cách không làm ảnh hưởng đến nguồn lực sẵn có của người Mỹ".