Mỹ - Iran chuẩn bị đàm phán hạt nhân: Ai được lợi?
Chính quyền Tổng thống Biden được cảnh báo phải hết sức thận trọng, không từ bỏ con bài chiến lược là các lệnh cấm vận để giữ thế chủ động trên bàn đàm phán.
Hãng tin Sputnik ngày 24-2 đưa tin Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi chính thức lên tiếng đề nghị chính quyền Iran phải giải thích rõ ràng về nguồn gốc số vật liệu hạt nhân mà ông cho là đã được tìm thấy tại một số cơ sở hạt nhân chưa công khai ở nước này. Một ngày trước, IAEA công bố báo cáo nghi Iran đang tích trữ một lượng lớn uranium làm giàu ở nhiều địa điểm bí mật thuộc quận Turquzabad nằm trong thủ đô Tehran.
Các diễn biến nói trên xảy ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần trước tuyên bố chính quyền Tổng thống Joe Biden sẵn sàng khởi động đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân dù không nêu rõ mốc thời gian cụ thể.
Mỹ cảnh giác ném đá dò đường
Theo tạp chí The National Interest, nhìn chung việc Mỹ chịu quay lại đàm phán với Iran là một tín hiệu khá tích cực nếu so với tình cảnh bế tắc trước đó khi Mỹ và Iran cùng kiên quyết yêu cầu đối phương phải quay trở lại tuân thủ thỏa thuận trước. Hồi đầu tháng 2, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif còn tuyên bố Mỹ phải nhận lấy trách nhiệm khi là bên lựa chọn rời bỏ thỏa thuận trước. Theo ông Zarif, “Mỹ cần thể hiện thiện chí quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân”. Ông Zarif cho rằng “Mỹ tự quyết định rút khỏi thỏa thuận chứ không thực hiện các lộ trình sẵn có trong phạm vi thỏa thuận”.
Dù vậy, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tỏ ra hết sức thận trọng trước mọi phản ứng sắp tới của Iran. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters hôm 20-2, một quan chức giấu tên của bộ này khẳng định việc ngồi lại cùng các đối tác và Iran không phải là sự nhượng bộ, thậm chí có thể không phải khởi đầu cho tiến trình đàm phán hạt nhân chính thức. Thay vào đó, đây đơn thuần chỉ là bước ngoại giao đầu tiên để xem xét nên làm thế nào để bắt đầu thảo luận các vấn đề quan trọng.
Quan điểm này cũng được Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đề cập công khai trong cuộc họp báo ngày 21-2, khi khẳng định Washington đặc biệt quan ngại việc Iran bất hợp tác với IAEA và ngày càng xa rời với việc tuân thủ thỏa thuận. Ông Sullivan thận trọng: “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu và sẽ còn có nhiều việc phải làm đòi hỏi chiến thuật ngoại giao cứng rắn, sáng suốt. Bên cạnh đó, Iran cũng cần phải quyết định họ sẵn sàng thực hiện các bước theo yêu cầu để bảo đảm và chứng minh với thế giới rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ các mục đích hòa bình”.
Bên nào gấp hơn?
Một số chuyên gia đồng ý Mỹ phải giải quyết vấn đề hạt nhân với Iran một cách thật chậm rãi và thận trọng nhất có thể. Trong một bài viết mới đây cho tờ The Washington Post, TS Michael Knights thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Trung Đông Washington (Mỹ) cho rằng tình hình Trung Đông hiện tại vẫn chưa thuận lợi để hai bên cùng ngồi lại đàm phán. Cụ thể, các lực lượng vũ trang thân Iran thời gian qua vẫn tiếp tục tấn công các căn cứ quân sự và cơ quan ngoại giao của Mỹ trong vùng. Gần đây nhất, hãng tin AP xác nhận ít nhất hai tên lửa đã đánh trúng vùng xanh là nơi đặt trụ sở đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad (Iraq) hôm 22-2. Một tuần trước, một vụ tấn công khác nhằm vào căn cứ không quân đặt tại TP Erbil cũng ở Iraq khiến một nhà thầu dân sự thiệt mạng và bốn công dân Mỹ bị thương. “Có thể thấy thật sự rất khó để đàm phán với một bên ngoài mặt rất nhiệt tình nhưng sau lưng cứ liên tục tấn công và đòi trừ khử bạn” - ông Knights nhận xét.
Mặt khác, nếu chính quyền ông Biden tỏ ra quá nhiệt tình để quay lại đàm phán thì sẽ tự đánh mất một lợi thế rất quan trọng: Trong hai bên thì Iran là bên cần Mỹ quay lại hơn vì các đòn trừng phạt làm nước này thiệt hại rất lớn. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Iran lần gần nhất ghi nhận mức tăng trưởng GDP là năm 2017. Bên cạnh đó, nước Cộng hòa Hồi giáo này chỉ đạt mức dự trữ ngoại hối khiêm tốn khoảng 8,8 tỉ USD trong năm ngoái, thấp hơn mức 12,7 tỉ USD của năm 2019 và giảm kỷ lục so với con số 121,6 tỉ USD trong năm 2018.
Báo cáo ngày 23-2 của IAEA cũng cảnh báo tổng quy mô kho lưu trữ uranium làm giàu của Iran hiện đã gấp hơn 14 lần mức quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Cụ thể, tính tới ngày 16-2, lượng uranium làm giàu của Iran đạt hơn 2.900 kg, trong khi mức giới hạn uranium làm giàu của Iran trong thỏa thuận là 202 kg.
“Mục tiêu của Iran là chỉ cần được gỡ cấm vận kinh tế. Nếu thuận theo yêu cầu của Iran là gỡ cấm vận trước rồi mới đối thoại thì Mỹ sẽ không còn gì để mặc cả khi lên bàn đàm phán. Tôi nghĩ việc hai bên đồng ý khôi phục thỏa thuận là chuyện đơn giản thôi, cái quan trọng là hai bên sẽ phải nhượng bộ để được đến mục tiêu đó. Do vậy, chừng nào giữ được cấm vận thì lúc đó Mỹ vẫn còn trên tay Iran” - chuyên gia Knights nhận xét.
Israel thất vọng khi Mỹ muốn đàm phán hạt nhân với Iran
Hãng tin Sputnik dẫn tuyên bố ngày 23-2 của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel không trông mong gì vào thỏa thuận hạt nhân cũng như thành ý của chính quyền Iran và sẵn sàng “làm mọi thứ” để ngăn cản Iran có được vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố trên được Thủ tướng Netanyahu đưa ra sau khi ông triệu tập một cuộc họp chiến lược khẩn với các quan chức hàng đầu thuộc nội các. Nội dung cuộc họp khẩn trên xoay quanh cách Israel sẽ ứng phó với việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẵn sàng đàm phán lại về chương trình hạt nhân của Iran.
Sputnik cho rằng hiện chưa rõ cái gọi là “mọi thứ” mà ông Netanyahu đề cập là gì, song kịch bản xấu nhất là Israel sẽ tiến hành tấn công phủ đầu Iran. Ngay từ đầu năm, các lực lượng vũ trang của Israel và Iran đều đã được đặt trong tình trạng báo động cao, cả hai bên đều cảnh giác bên kia tập kích bất ngờ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/my-iran-chuan-bi-dam-phan-hat-nhan-ai-duoc-loi-969038.html