Mỹ-Iran cùng lúc tung bằng chứng vụ tấn công tàu chở dầu
Mỹ tung đoạn video cáo buộc lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran chủ mưu tấn công tàu chở dầu trong khi Iran cũng công bố hình ảnh ghi được.
Ngày 14/6, quân đội Mỹ đã phát hành video do Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cáo buộc binh sĩ Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran gỡ một quả mìn chưa phát nổ từ một tàu chở dầu gặp nạn trên vịnh Oman.
Bức ảnh cho thấy có thủy lôi gắn trên thân tàu Kokuka Courageous, một trong hai con tàu bị tấn công trên Vịnh Oman ngày 13/6.
Người phát ngôn CENTCOM Bill Urban cho biết, một tàu tuần tra của lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đã hiện diện cạnh thân tàu và gỡ thủy lôi.
"Mỹ và cộng đồng quốc tế sẵn sàng bảo vệ lợi ích của chúng tôi, trong đó có cả quyền tự do hàng hải. Mỹ không quan tâm tới việc tham gia vào một cuộc xung đột mới ở Trung Đông. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của mình" - ông Urban tuyên bố.
Trong khi đó, phía Iran cũng phủ nhận sự liên quan của nước này tới 2 tàu bị tấn công ở vịnh Oman.
Truyền hình Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIB) cũng đăng tải một video cho thấy hình ảnh các thủy thủ được giải cứu khỏi tàu chở dầu bị tấn công hôm 13/6, xuất hiện trong một căn phòng với trạng thái sức khỏe bình thường. Họ cũng sẵn sàng trả lời phỏng vấn truyền hình Iran.
23 thủy thủ này được giải cứu đưa về cảng Jask trên tàu Front Altair gồm 11 người Nga, 11 người Philippines và một người Georgia. Tất cả đều được một tàu Iran cứu và “hoàn toàn khỏe mạnh”.
Tàu chở dầu thứ hai là Kokura Courageous do một tàu Hà Lan cứu.
Đài ABC (Australia) dẫn thông báo từ công ty Hyundai Merchant có trụ sở tại Hàn Quốc đưa tin về các thủy thủ trên tàu chở hàng Hyundai Dubai thuộc công ty này cho biết, đã có 3 tiếng nổ vang lên trên tàu Front Altair trước khi tàu này phát đi tín hiệu báo động khẩn cấp.
Thông báo cũng cho biết thêm rằng, tàu Hyundai Dubai đã gửi xuồng cứu hộ tới để giải cứu 23 thủy thủ trên tàu Front Altair, trước khi đưa họ lên tàu Hàn Quốc. Tàu Hyundai Dubai sau đó bàn giao các thủy thủ được cứu cho một tàu cứu hộ của Iran.
Vụ việc hai tàu chở dầu bị tấn công ngay ngoài Vịnh Oman đã gây chấn động cho toàn thế giới, lo lắng về nguy cơ xảy ra xung đột ngày càng lớn hơn khi Mỹ bắt đầu điều thêm tàu khu trục USS Mason đến vùng Vịnh ngay sau vụ tấn công tàu chở dầu.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lập tức đổ lỗi cho Iran tổ chức tấn công 2 tàu chở dầu này.
"Iran phải chịu trách nhiệm vụ tấn công" - Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố.
Ông cho biết thêm: "Kết luận này dựa trên các thông tin liên quan đến tình báo, vũ khí được sử dụng, trình độ chuyên môn cần thiết để thực hiện vụ tấn công, các cuộc tấn công tương tự gần đây của Iran vào tàu chở dầu và thực tế là không có nhóm vũ trang nào hoạt động trong khu vực có đủ tài nguyên và sự thành thạo để hành động với mức độ tinh vi cao như vậy".
Tuy nhiên, phía Tehran cũng có đáp trả lại gay gắt.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích việc Mỹ cáo buộc Tehran tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh là một phần của "ngoại giao phá hoại".
"Việc Mỹ lập tức nhảy vào cáo buộc chống lại Iran mà không đưa ra bằng chức xác thực hay gián tiếp nào chỉ cho thấy rõ rằng họ đang chuyển sang kế hoạch B: ngoại giao phá hoại và che giấu cuộc khủng bố kinh tế của họ nhằm vào Iran" - ông Zarif viết trên mạng xã hội Twitter ngày 14/6.
Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Ahmedhige Seko cho biết, vụ tấn công vào 2 tàu chở dầu tại Vịnh Oman sẽ phải được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng và môi trường G20 vào cuối tuần này.
Ông Keith Seko nói trong cuộc họp báo thường kỳ: "Duy trì an ninh năng lượng là điều chúng ta có thể chia sẻ với các Bộ trưởng khác trong nhóm G20 và là một vấn đề chính sách quan trọng, sẽ được thảo luận tại cuộc họp cấp Bộ trưởng năng lượng G20".
"Các quốc gia Trung Đông là khu vực quan trọng đối với an ninh năng lượng toàn cầu. Chúng tôi muốn nói chuyện với các bộ trưởng khác về những lo ngại của chúng tôi về an ninh và các mối đe dọa toàn cầu" - Bộ trưởng Nhật Bản cho biết thêm.
Trong 2 con tàu bị tấn công tại Vịnh Oman ngày 13/6 có một tàu chở dầu của Nhật Bản. Vị Bộ trưởng Công nghiệp từ chối bình luận về khả năng đổ lỗi hay việc Mỹ đổ lỗi cho Iran gây ra vụ tấn công trên.
Đáng chú ý là vụ tấn công diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Nhật Bản đang có chuyến thăm Tehran và hội đàm cùng Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Tại cuộc gặp, ông Abe đã cảnh báo rằng, bất kỳ "xung đột tình cờ" nào – điều có thể là ngòi nổ trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran tăng cao, cần phải tránh. Ông Abe được cho là tới Iran mang sứ mệnh hạ nhiệt căng thẳng.
Cùng ngày diễn ra cuộc gặp trên, tàu Front Altair chứa đầy hydrocarbon lẫn với naphtha dễ cháy xuất phát từ UAE đã phát thanh để kêu gọi sự hỗ trợ sau khi bốc cháy. Một thời gian ngắn sau đó, tàu Kokuka Courageous chở đầy methanol từ Saudi Arabia và Qatar cũng phát tín hiệu nhờ giúp đỡ. Theo AP, Front Altair bị đốt cháy trong nhiều giờ, tạo ra cột khói đen dày đặc.
Các nhà điều hành tàu hiện vẫn chưa đưa ra giải đáp về vụ nổ cũng như nguyên nhân gây ra thiệt hại cho tàu MT Front Altair của Na Uy và Kokuka Courageous của Nhật Bản.