Mỹ-Iran sẽ có một cuộc mặc cả mới dưới thời ông Biden?

Nhiều người cho rằng trong vài tuần sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021, Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden sẽ đưa ra tuyên bố chính sách cụ thể về Trung Đông. Nếu ngay trong giai đoạn chuyển giao hiện nay, Iran kịp thời đưa ra một sáng kiến 'đại mặc cả' mới, điều đó rất có thể sẽ định hình chính sách mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Iran kỳ vọng cải thiện quan hệ song phương dưới thời ông Biden.

Iran kỳ vọng cải thiện quan hệ song phương dưới thời ông Biden.

Giao kèo lịch sử

Ngày 4/5/2003, Iran khởi động nỗ lực tìm kiếm khả năng “tái hợp” với Mỹ bằng cách đưa ra đề nghị tái đàm phán về mối quan hệ song phương. Sáng kiến táo bạo này, một nỗ lực được cho là có sự đồng thuận của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và Tổng thống ôn hòa Mohammad Khatami, cũng như sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Javad Zarif, người hiện là ngoại trưởng của nước Cộng hòa Hồi giáo, đã nêu lên những vấn đề then chốt như hoạt động phát triển tên lửa và hạt nhân của Iran và các hoạt động trong khu vực mà quốc gia này tiến hành. Tuy nhiên, các chi tiết cụ thể về nội dung thương lượng các vấn đề này không được tiết lộ.

Đề nghị của Iran được thực hiện thông qua 2 kênh, một bản fax được gửi trực tiếp cho Bộ Ngoại giao Mỹ, văn bản hoàn toàn có thể bị khước từ; và kênh thứ hai là thông tin liên lạc không chính thức thông qua Đại sứ quán Thụy Sỹ, nơi thời điểm đó và cả hiện nay đều được xem là đại diện cho các lợi ích của Iran trong việc kết nối với Washington.

Đề nghị này sau đó được giới chức gọi bằng cái tên “giao kèo lịch sử”. Sáng kiến kể trên từng bị những người theo phái tân bảo thủ trong chính quyền của Tổng thống George W. Bush bác bỏ hoàn toàn vì lý do căn bản là "chúng ta không thương lượng với những kẻ khủng bố". Mặc dù không ngạc nhiên song Iran vẫn rất thất vọng vì bị từ chối.

Năm 2001, Iran lên kế hoạch tiếp cận với Mỹ bằng đề xuất hỗ trợ hậu cần và các vấn đề liên quan ngay sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Chính quyền Bush cũng chính thức từ chối đề xuất này trong năm 2002 và thậm chí còn liệt Iran, Iraq, Triều Tiên là “trục ma quỷ”.

Đặc trưng của mối quan hệ song phương suốt 17 năm sau đó là ngờ vực và căng thẳng sâu sắc do chính sách đối địch của các đời tổng thống Mỹ Bush, Donald Trump cũng như Tổng thống bảo thủ của Iran Mahmoud Ahmadinejad.

Bốn năm chuyển tiếp giai đoạn 2013-2017 dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống ôn hòa Hassan Rouhani đã chứng kiến một mối quan hệ nồng ấm hơn, tạo điều kiện thuận lợi để các bên hoàn tất đàm phán và thực hiện Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA).

Sự tin tưởng và thiện chí ngày càng tăng giữa ông Obama và ông Rouhani từng đem đến khả năng mở ra các cuộc đàm phán về các vấn đề quan trọng khác như tên lửa và nhiều hồ sơ khác của khu vực song mọi chuyện đã tiêu tan khi ông Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng.

Kỳ vọng mới

Việc ông Biden đắc cử tổng thống Mỹ mở ra cơ hội kịp thời cho Iran nếu quốc gia này có thể đưa ra một giao kèo đáng kể nào đó. Đúng thời điểm là yếu tố quyết định. Nếu đó là lời đề nghị có phạm vi tương tự những gì Tehran từng khởi xướng vào năm 2003 và đến được với ông Biden trước khi ông nhậm chức và công bố chính sách Trung Đông. Nó hoàn toàn có thể tác động tới chính sách của Mỹ để phục vụ lợi ích an ninh rộng lớn hơn của cả hai quốc gia và khu vực nói chung.

Trên thực tế, Iran có thể thể hiện thiện chí nhiều hơn so với trong quá khứ bằng việc sẵn sàng trả tự do cho nhiều tù nhân người nước ngoài hơn, như học giả người Australia Kylie Moore-Gilbert.

Điều quan trọng là hai bên phải ngồi vào bàn đàm phán khi đã có hiểu biết rõ ràng về lợi ích chiến lược của đối phương cũng như nhận thức được ý nghĩa của "an ninh" và "ổn định" khu vực, và cả những giới hạn đỏ trong đàm phán.

Các cuộc đàm phán liên quan đến Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và đặc biệt là về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến hoạt động trong khu vực của Iran sẽ vấp phải thách thức đến từ các bên liên quan ở cả trong và ngoài nước.

Gập ghềnh nỗ lực tái thiết quan hệ

Theo tờ New York Times, vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh ngày 27/11 vừa qua, được cho là do Israel dàn dựng với sự hậu thuẫn của chính quyền đương nhiệm Mỹ, là nhằm hủy hoại mọi cơ hội hòa giải Mỹ-Iran.

Nỗ lực kiên trì tái thiết mối quan hệ sẽ là thách thức cho cả hai bên, nhất là với nguy cơ tiếp diễn những hành động khiêu khích và cực đoan tương tự. Tuy nhiên, có cơ sở để kỳ vọng vào khả năng diễn ra đàm phán Mỹ-Iran dù khó khăn là điều không thể tránh.

Cả Tổng thống Rouhani và Ngoại trưởng Zarif đều biết rõ ông Biden từ thời ông còn là Phó Tổng thống Mỹ. Ông Zarif cũng biết Jake Sullivan, người được ông Biden dự kiến cho vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia.

Tuy nhiên, với việc ông Rouhani không thể tái tranh cử vào giữa năm 2021 và nhà ngoại giao Zarif không có khả năng tại nhiệm sau thời gian đó, Iran chỉ còn tối đa 7 tháng hoặc thậm chí là ít hơn trên thực tế để xúc tiến một thỏa thuận.

Chưa rõ ai sẽ kế nhiệm những vị trí lãnh đạo tại Iran, song những cải thiện quan trọng bước đầu, đem đến một sự hồi phục kinh tế nhất định sẽ có những tác động tới vị tổng thống tiếp theo của nước Cộng hòa Hồi giáo và nhiều khả năng cũng sẽ định hình các cuộc đàm phán trong tương lai.

Có những lý do thuyết phục cả về kinh tế và chính trị để Iran tính đến một đề xuất như trên. Ưu tiên hàng đầu của quốc gia này là phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là nối lại các hoạt động thương mại quốc tế, kể cả thương mại dầu khí.

Điểm mấu chốt để Iran đạt được mục tiêu này là việc nước Mỹ, dưới thời ông Biden sẽ sớm quay lại JCPOA với những điều khoản mà các bên cùng chấp nhận được. Điều này cũng sẽ cho phép dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc mà Tổng thống Trump đề xuất.

Tuy nhiên, ông Biden có thể đưa ra điều kiện để tái gia nhập JCPOA, như các hạn chế đối với việc phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Iran. Bất chấp hệ quả từ vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh, mọi thứ đều trong tầm tay nếu cả hai bên đều cam kết và thiện chí.

Về chính trị, có 2 lý do để Iran đưa ra một lời đề nghị.

Một là kỳ vọng của công chúng Iran về khả năng cải thiện nền kinh tế sau khi ông Biden nhậm chức. Việc người dân sẵn sàng chịu đựng và sát cánh cùng chính quyền nhằm chống lại chiến dịch “gây áp lực tối đa” của ông Trump sẽ không còn nếu ông Biden bước vào Nhà Trắng, nhất là khi cơ hội các đòn trừng phạt được nới lỏng trở thành điều gì đó khả thi. Chính quyền Iran, nhất là những người theo đường lối cứng rắn, không thể phớt lờ kỳ vọng này.

Hai là, đây có thể là cơ hội để Iran xóa bỏ tình thế bị cô lập và đảm bảo các sáng kiến có thể tương thích với chính sách mới mà chính quyền Biden công bố nhằm thúc đẩy ổn định và an ninh khu vực. Có thể đó là sự kết hợp giữa sáng kiến “Nỗ lực vì Hòa bình Hormuz” của Rouhani với các sáng kiến khác của Mỹ hoặc khu vực, như “Hiệp định Abraham” mới đây.

Iran và Mỹ có lợi ích chiến lược đan xen ở các nước láng giềng của Tehran như Iraq và Afghanistan. Ổn định và an ninh cũng là mục tiêu chung tại Yemen, Lebanon và Syria, cũng như là điều mong muốn của các bên liên quan khác, đặc biệt là Saudi Arabia và Israel. Việc xác định những lợi ích chung, tôn trọng sự khác biệt và tìm cách hài hòa tất cả là điều không hề đơn giản.

Đối với ông Biden, người tuyên bố nhiệm kỳ tổng thống sắp tới mà ông đảm nhiệm sẽ đánh dấu sự trở lại vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, việc giải quyết và thúc đẩy mối quan hệ với Iran sẽ là một thách thức quan trọng.

Với chia rẽ sâu sắc ở Iran, đây cũng sẽ là một thử thách đối với vai trò lãnh đạo của Khamenei và thậm chí là có khả năng định hình di sản chính trị mà ông để lại. Làm thế nào Iran có thể giành được sự ủng hộ của Mỹ, các nước trong khu vực và các bên liên quan khác, cũng như của chính người dân Iran về một “cuộc đại mặc cả” mới?

(theo Aljazeera)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-iran-se-co-mot-cuoc-mac-ca-moi-duoi-thoi-ong-biden-130704.html