Israel đã vượt 'lằn ranh đỏ' của Mỹ?

Có phải Israel đã vượt 'lằn ranh đỏ' của Mỹ với cuộc tấn công vào Rafah (nam Gaza)?

Đài CNN dẫn thông tin từ Cơ quan Y tế Gaza rằng vụ không kích của Israel vào một trại tị nạn ở TP Rafah (cực nam Dải Gaza) ngày 26-5 làm 45 người chết, hơn 200 người bị thương. Các quan chức y tế địa phương cũng nói rằng xe tăng của Israel tiếp tục bắn phá các khu vực phía đông và trung tâm Rafah trong ngày 27-5 khiến 8 người thiệt mạng.

Theo Cơ quan Y tế Gaza vào ngày 27-5, chỉ trong vòng 24 giờ, Israel phát động 7 cuộc tấn công trên khắp Dải Gaza, khiến 66 người thiệt mạng.

 Hiện trường cuộc tấn công của Israel vào Rafah (nam Gaza), vào ngày 27-5. Ảnh: AP

Hiện trường cuộc tấn công của Israel vào Rafah (nam Gaza), vào ngày 27-5. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cảnh báo sẽ ngừng viện trợ vũ khí nếu quân Israel tấn công TP Rafah.

Tuy nhiên, ngày 28-5 tờ Politico dẫn lời một quan chức Mỹ rằng chính quyền ông Biden đã quyết định rằng cuộc tấn công của Israel vào Rafah nói trên không vượt qua “lằn ranh đỏ” mà ông Biden đặt ra.

Điều này cho thấy dường như Israel đang tiến hành một chiến dịch trong phạm vi Mỹ có thể chấp nhận, theo giới quan sát.

Chưa vượt qua “lằn ranh đỏ”

Theo quan chức Mỹ, toàn bộ hoạt động tấn công của Israel cho thấy nước này có chú ý đến cảnh báo của Mỹ, để từ đó tấn công Rafah có mục tiêu và chính xác hơn.

Từ tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller trong cuộc họp giao ban với các phóng viên hôm 28-5 có thể thấy lời của quan chức nói trên có cơ sở.

Trong ngày 28-5, xe tăng Israel đã tiến vào trung tâm Rafah, tới khu vực chiến lược của TP. Cơ quan Y tế Gaza sau đó cho biết xe tăng của Israel đã pháo kích vào một lều tạm khu sơ tán phía tây Rafah, khiến 21 người thiệt mạng.

Ông Miller cho biết ông đã xem các báo cáo về hoạt động di chuyển của xe tăng Israel nhưng không thể xác nhận chúng.

Ông Miller cũng xác nhận Israel đã không trình bày với Mỹ về kế hoạch rõ ràng để bảo vệ dân thường khi tiến hành chiến dịch tại Rafah. Các nhân viên cứu trợ cho biết việc thiếu các biện pháp bảo vệ dân thường khiến người dân ở gần các khu vực chiến sự mà không được tiếp cận an toàn với thực phẩm, nước uống và các thiết bị vệ sinh.

Ông Miller nói rằng Mỹ hy vọng Israel sẽ tiến hành một “cuộc điều tra đầy đủ, minh bạch” để buộc những người có lỗi phải chịu trách nhiệm, nếu cần thiết.

Song ông Miller cũng nhấn mạnh rằng chiến dịch ở Rafah cho đến nay không “có quy mô” như các chiến dịch ở TP Gaza và Khan Younis.

“Cho đến nay, đây là một loại hoạt động quân sự khác” – theo ông Miller.

Cùng ngày, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng nói “không có thay đổi chính sách nào để đề cập”, sau cuộc tấn công của Israel vào Rafah. Khi được hỏi về con số thương vong dân sự tại Rafah có thể khiến chính quyền Mỹ không thể chấp nhận được, ông Kirby nói: “Ở đây không có thước đo hay hạn ngạch. Như chúng tôi đã nói nhiều lần, con số thương vong của dân thường là bằng không”.

 Người dân tại hiện trường cuộc tấn công của Israel vào Rafah, vào ngày 27-5. Ảnh: AP

Người dân tại hiện trường cuộc tấn công của Israel vào Rafah, vào ngày 27-5. Ảnh: AP

Áp lực lên ông Biden vẫn tăng

Theo đài ABC, cuộc tấn công hôm 26-5 là cuộc tấn công nguy hiểm nhất kể từ khi Israel phát động chiến dịch ở Rafah.

Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết cuộc tấn công đã nhắm sẵn mục tiêu và đạn dược sử dụng trong cuộc tấn công không thể gây ra ngọn lửa lớn như vậy ở trại tị nạn, mà phải có thứ gì khác đã khiến quy mô cuộc tấn công được mở rộng ra. Theo đó, kho vũ khí của Hamas trong khu vực xung quanh nơi bị tấn công có thể là nguyên nhân khiến ngọn lửa từ vụ tấn công lan ra.

Lực lượng Phòng vệ Israel cũng bác bỏ cáo buộc rằng họ đã nhắm trực tiếp vào khu vực được chính phủ Israel chỉ định là vùng an toàn cho dân thường Gaza và cho biết sẽ điều tra toàn diện về vụ việc.

Những hình ảnh về hậu quả của cuộc tấn công đã khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ, khiến Israel mất thêm sự ủng hộ trên trường quốc tế. Hôm 28-5, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã lên án vụ tấn công “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất”, tuyên bố “sự kinh hoàng và đau khổ phải chấm dứt ngay lập tức”.

Cuộc tấn công cũng gia tăng áp lực lên chính quyền ông Biden nhằm rút lại hỗ trợ quân sự cho Israel.

Chính quyền ông Biden đang chịu sự chỉ trích dữ dội từ trong nước. Nhiều thành viên đảng Dân chủ và những người ủng hộ nhân quyền kêu gọi ông Biden ngừng gửi vũ khí cho Israel.

Trong khi một cuộc điều tra của Israel có thể sẽ mất vài tuần để có kết quả, Tổng thống Biden đang phải đối mặt nhiều câu hỏi về "lằn ranh đỏ" mà ông đưa ra.

Ông Brian Finucane – cố vấn cấp cao của tổ chức nghiên cứu International Crisis Group – cho biết: “Chính quyền ông Biden tiếp tục có sự khoan dung rất cao đối với việc Israel giết hại thường dân ở Gaza, bao gồm bằng vũ khí của Mỹ”.

Cho đến nay, chính quyền ông Biden đã xác định hoạt động quân sự của Israel ở Rafah là "hạn chế". Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan Liên Hợp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini cho biết cuộc chiến tại Rafah đã gây ra một cuộc di cư hàng loạt, buộc 1 triệu người phải chạy trốn để tìm kiếm nơi an toàn.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/israel-da-vuot-lan-ranh-do-cua-my-post793393.html