Mỹ khốn đốn vì kho vàng cạn kiệt sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968
Hầu hết những nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam không đề cập đến hệ lụy kinh tế, nhưng tác động từ những khoản cam kết tài chính khổng lồ cho Đông Dương thực sự là vấn đề lớn đối với Mỹ, và tổn thất trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 lớn hơn cả.
Theo bài viết trên The Wire, dù các lãnh đạo ở Washington cam kết với sứ mệnh đế quốc hậu Thế chiến 2, họ cũng hiểu giới hạn của bá chủ kinh tế và thừa nhận tổn thất lớn lao của cuộc chiến ở Việt Nam đối với những dự án toàn cầu dài hạn của mình.
Trong những năm 1960, giới chức Mỹ phải xử lý tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán nghiêm trọng, nghĩa là khoảng trống ngày càng lớn giữa số đô la đưa ra nước ngoài – cho đầu tư, du lịch và chi tiêu quân sự - vượt xa quá nhiều số tiền thu về. Tình trạng thâm hụt trở nên nghiêm trọng hơn nhiều khi Washington tăng cường can dự vào Việt Nam, cuối cùng khiến Mỹ cạn kiệt dự trữ vàng.
Năm 1944, Mỹ tạo ra hệ thống Bretton Woods, đưa đô la Mỹ trở thành loại tiền tệ quốc tế có thể chuyển đổi hoàn toàn và được vàng hỗ trợ. Mối quan hệ chặt chẽ giữa thâm hụt cán cân thanh toán với lượng vàng tối thiểu gây mất ổn định kinh tế Mỹ. Đầu năm 1960, Tổng thống Dwight Eisenhower khi đó nhấn mạnh “tình hình nghiêm trọng liên quan đến lượng vàng dự trữ” và lo sợ “không ai thực sự hiểu cần làm gì để khắc phục”.
Trong những năm 1965-1966, chiến tranh khiến nhiều nền kinh tế bất ổn. Tại Mỹ, thâm hụt thanh toán ngày càng trầm trọng khi chi phí cho chiến tranh lên tới ít nhất 25 tỷ USD mỗi năm. Các nước khác không thể điều chỉnh đồng tiền của họ, hệ thống Bretton Woods quy định phải cố định tỷ giá hối đoái với đồng đô la Mỹ, vì thế các nước phải trả nhiều tiền hơn để mua hàng Mỹ nếu Mỹ có lạm phát. Từ đó, các ngân hàng trung ương bắt đầu đổi đô la sang vàng, và chỉ riêng trong năm 1965 đã rút 1,7 tỷ đô la Mỹ.
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi chi tiêu quân sự của Mỹ tăng lên. Đến cuối năm 1967 đã xảy ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn diện. Vương quốc Anh hạ giá đồng bảng, các nước châu Âu khác, nhất là Pháp, bắt đầu lên tiếng đòi chấm dứt hệ thống kinh tế do đô la Mỹ thống trị. Tổng thống Pháp Charles de Gaulle khi đó cảnh báo nguy cơ “người Mỹ sẽ tiếp quản các doanh nghiệp của chúng ta”, hệ lụy từ việc “xuất khẩu đồng đô la mất giá”. Trong khi đó, thâm hụt cán cân thanh toán trong quý 4 của Mỹ tăng lên 7 tỷ đô la Mỹ, gấp ba lần tỷ lệ của năm đó. Các cố vấn kinh tế của tổng thống liên tục nhắc đến nguy cơ tái diễn đại suy thoái năm 1929.
Khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 gây sốc cho cả thế giới, nền kinh tế quốc tế cũng trải qua một cuộc khủng hoảng. Thâm hụt tăng thêm hơn 300 triệu đô la Mỹ mỗi tuần, còn lượng vàng sụt giảm tới 600 triệu đô la Mỹ chỉ trong những tuần đầu tháng 3/1968. Nếu các ngân hàng châu Âu tiếp tục đổi đô la lấy vàng, họ sẽ khiến đô la Mỹ suy yếu và có thể châm ngòi cho hàng loạt quyết định hạ giá đồng tiền, giống như thời kỳ đại suy thoái cách đó hơn 3 thập kỷ.
Phố Wall quay lưng
Thời điểm đó, Phố Wall quay lưng với chiến tranh. Chủ tịch Citibank Walter Wriston cho rằng cơ hội ổn định kinh tế “sẽ lớn hơn nếu chiến tranh ở Việt Nam kết thúc”. Các nhà kinh tế học của Goldman Sachs đưa ra quan điểm tương tự.
Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 không chỉ khiến dư luận hoài nghi về sức mạnh quân sự của Mỹ, mà cuộc khủng hoảng vàng – đô la còn làm suy yếu nền tảng tăng trưởng kinh tế hậu chiến tranh của xứ cờ hoa. Cuối cùng, Tổng thống Lyndon Johnson quyết định vào cuộc, bằng cách tạm dừng chuyển giao vàng, và quan trọng hơn là giảm chi phí cho chiến tranh và quân sự. Với bước đầu tiên, ông chủ Nhà Trắng gạt bỏ đề xuất tăng quân, để có thể tiết kiệm 25 tỷ đô la Mỹ. Mỹ không còn sức chi trả cho cuộc chiến nữa, đây là thực tế đau đớn với Nhà Trắng vào năm 1968 dù khía cạnh này ít được nhắc đến.
Khi chiến tranh trở thành vấn đề kinh tế, các quan chức quân sự bắt đầu chiến dịch tấn công chính trị để buộc Tổng thống Johnson phải chịu trách nhiệm nếu sau này Mỹ thất bại. Họ biết rằng kiến nghị tăng quân mà họ đưa ra sẽ tạo nên một trận bão chính trị. Tướng Dwight Beach, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ khi đó phát biểu rằng kiến nghị này “sẽ gây sốc” cho các quan chức chính phủ. Nhà Trắng trước đó đã gạt đề xuất của tướng Westmoreland về việc leo thang. Tổng thống Johnson tuyên bố với báo chí rằng ông không thấy lý do gì để tăng quân lên trên mức 525.000.
Johnson lo ngại cuộc khủng hoảng Tết Mậu Thân sẽ gây hậu quả thảm khốc về chính trị. Ông nhận thấy đế quốc bắt đầu rạn nứt và ông phải xử lý những tổn thất to lớn về kinh tế từ cuộc chiến, bảo đảm lợi ích của Phố Wall và sự ổn định của liên minh Đại Tây Dương ngoài những vấn đề trên chiến trường. Tại một cuộc gặp với các cố vấn, Johnson nói: “Tất cả các ông đều cố vấn, cố vấn và cố vấn, rồi như thường lệ lại đặt con khỉ lên lưng tôi… Tôi không thích những gì tôi ngửi thấy từ những bước điện gửi về từ Việt Nam”.
Sự bộc phát của Johnson có thể không thành thật, nhưng có cơ sở. Ông ta rất lo ngại rằng quân đội sẽ tranh thủ sự chia rẽ trong Nhà Trắng vì cuộc chiến. “Tôi muốn họ (các lãnh đạo quân đội) kiến nghị những điều không phải để nhận được, mà chỉ để đổ lỗi lên tôi”, Johnson nói. Đây đúng là những gì đã xảy ra khi chiến tranh suy yếu.
Cùng với những cú sốc dầu mỏ trong những năm 1970, hệ lụy kinh tế từ chiến tranh ở Việt Nam trở thành động lực cho những cuộc xoay trục lớn, và khiến vai trò kinh tế toàn cầu của Mỹ suy giảm, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods.