Mỹ không có kế hoạch triển khai bom hạt nhân tới điểm lưu trữ mới ở châu Âu
Các chuyên gia cảnh báo, nếu Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tới bất kỳ quốc gia nào có biên giới với Nga có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp.
Đại sứ quán Mỹ tại Nga mới đây nói với tờ Izvestia (Nga) trong bối cảnh Warsaw kêu gọi đưa Ba Lan vào chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO rằng, Washington hiện không có kế hoạch triển khai bất kỳ vũ khí hạt nhân nào bên ngoài các địa điểm lưu trữ hiện có ở các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu.
Hiện tại, bom B61 của Mỹ đang được lưu trữ tại các địa điểm ở năm quốc gia là thành viên NATO: Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Tờ Izvestia dẫn lời các chuyên gia cảnh báo, nếu Washington triển khai các thành phần trong kho vũ khí hạt nhân của mình ở bất kỳ quốc gia nào có biên giới với Nga, thì Moskva sẽ coi đó là một hành động kích động và một động thái như vậy có thể làm leo thang căng thẳng giữa Nga và Mỹ, thậm chí dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp.
Saeed Khan thuộc Đại học bang Wayne ở Detroit (Mỹ) cho biết cơ hội của Ba Lan được chấp nhận tham gia chương trình chia sẻ hạt nhân là khá mong manh. Mặc dù bom hạt nhân được lưu trữ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng yếu tố quan trọng ở đây là Thổ Nhĩ Kỳ không giáp biên giới với Nga, trong khi Ba Lan có chung đường biên giới với vùng Kaliningrad của Nga.
Theo ông Saeed Khan, việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan có thể bị Moskva coi là một hành động khiêu khích và sẽ làm leo thang căng thẳng giữa NATO và Nga. Do đó, ông Saeed Khan cho rằng việc Mỹ triển khai bom hạt nhân ở Ba Lan là điều khó xảy ra bởi nó sẽ làm thay đổi cơ bản cục diện địa chính trị.
Ông Khan nhấn mạnh rằng một động thái như vậy sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng đến mức nguy hiểm, thậm chí có khả năng dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO.
Về phần mình, Jeremy Kuzmarov, tổng biên tập tạp chí Covert Action, nhận định nếu Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân của mình trên lãnh thổ Ba Lan, thì đây sẽ là một bước nữa làm trầm trọng thêm mối quan hệ Moskva - Washington vốn đã rất căng thẳng và có thể đóng vai trò là một “chất xúc tác” cho một cuộc chiến tranh thế giới tiềm năng.
Ông Kuzmarov nói với Izvestia rằng tình hình gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi thế giới đang trên bờ vực chiến tranh hạt nhân. Khi đó, Mỹ đã triển khai tên lửa nhắm vào lực lượng của Liên Xô ở Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Moskva triển khai tên lửa tới Cuba để đáp trả. Chuyên gia này nói thêm rằng một tình huống tương tự có thể diễn ra, nhưng với sự khác biệt quan trọng hiện nay là Ba Lan gần biên giới Nga hơn nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Liên Xô vào những năm 1960.