Mỹ không dễ kiềm chế Huawei
Một nghiên cứu mới cho thấy Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei Technologies sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất về công nghệ không dây thế hệ mới 5G, qua đó bảo đảm công ty Trung Quốc này vẫn kiếm được tiền bất chấp chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nỗ lực loại bỏ họ khỏi chuỗi cung ứng.
Một nhóm 25 nhà nghiên cứu của 2 công ty GreyB Services (Ấn Độ) và Amplified AI Inc (Nhật Bản) đã xem xét khoảng 6.400 phát minh được các chủ sở hữu tuyên bố là "đóng vai trò quan trọng" đối với công nghệ 5G tính đến cuối năm 2019.
Trong số này, theo nhóm nghiên cứu, 1.658 bằng sáng chế được đánh giá là có vai trò "cốt lõi". Kết quả cho thấy 6 công ty sở hữu đến hơn 80% bằng sáng chế loại này - gồm Huawei, Samsung Electronics, LG Electronics, Nokia Oyj, Ericsson AB và Qualcomm. Đáng chú ý, chỉ có Qualcomm đặt trụ sở tại Mỹ.
Theo trang Bloomberg, việc xác định số lượng bằng sáng chế và tầm quan trọng của chúng đối với công nghệ 5G sẽ xác định ai hưởng lợi từ công nghệ được kỳ vọng cách mạng hóa các lĩnh vực như xe tự lái, phẫu thuật bằng robot, nhà kết nối... Ông Deepak Syal, Giám đốc GreyB Services, nhận định ngay cả khi ai đó thuê công ty khác xây dựng hạ tầng 5G, họ vẫn phải trả tiền cho Huawei vì đóng góp trí tuệ của công ty này.
Thông tin nói trên có thể khiến chính quyền ông Trump gặp khó trong nỗ lực kiềm chế Huawei với lý do đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Trong động thái mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào tuần rồi cho rằng các nước châu Âu cần sử dụng công nghệ phương Tây, thay vì của Huawei. Tranh cãi về Huawei là một trong những vấn đề khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm xấu đi thời gian qua.
Theo đài CNBC, một số nhà phân tích thậm chí đã nói về một "cuộc chiến tranh lạnh mới" giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới và cảnh báo tình hình có thể tệ hơn nếu những nước khác bị lôi kéo vào cuộc xung đột này.
Ông Dan Ikenson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách thương mại Herbert A. Stiefel tại Viện Cato (Mỹ), cho rằng quá trình chia tách kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra. Ngoài ra, Bắc Kinh có thể bắt đầu nhắm đến một số nước được cho là đứng về phía Washington trong cuộc đối đầu này.
Chuyên gia Christopher Granville của Công ty Nghiên cứu TS Lombard (Anh) chỉ ra chuyện Trung Quốc ngưng nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà cung cấp lớn của Úc sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc của virus gây đại dịch Covid-19.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-khong-de-kiem-che-huawei-20200609212742924.htm