Mỹ ký luật trừng phạt Nga: Khơi mào một cuộc chiến thương mại
Nhà Trắng hôm qua xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thành luật các trừng phạt mới với Nga, Iran và Triều Tiên.
Sau thời gian chần chừ, cuối cùng thì Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (2/8) đã ký thành luật các biện pháp trừng phạt Nga. Song chính bản thân ông chủ Nhà Trắng cũng không hài lòng với dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua, gọi đây là “một thiếu sót nghiêm trọng”.
Luật trừng phạt mới đồng nghĩa với hy vọng cải thiện quan hệ Nga-Mỹ dưới thời ông Trăm chính thức chấm dứt. Những đồng minh châu Âu của Mỹ cũng bị kéo vào vòng ảnh hưởng của trừng phạt, đặc biệt các dự án đưa khí đốt Nga tới Trung Âu sẽ khó tránh khỏi hệ lụy tiêu cực.
Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thành luật các trừng phạt mới với Nga, Iran và Triều Tiên. Hai nguồn tin Nhà Trắng cho biết Tổng thống đã ký ban hành dự luật trong phòng kín và không có sự xuất hiện của báo giới.
Đặt bút ký thành luật các trừng phạt mới với Nga được coi là sự miễn cưỡng đối với Tổng thống Trump, đồng thời là động thái mà Nga coi là sự khai mào cho một cuộc chiến thương mại toàn diện, cũng như chấm dứt hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền Donald Trump.
Ngay khi có thông tin Tổng thống Mỹ ký thành luật trừng phạt Nga, tỷ giá đồng rúp đã giảm nhẹ. Những trừng phạt mới này sẽ tiếp nối chuỗi ngày trả đũa lẫn nhau giữa Nga và Mỹ sau những trừng phạt mà 2 bên đã áp đặt liên quan tới khủng hoảng Ucraina. Các biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến một loạt các ngành công nghiệp của Nga và có thể làm tổn thương thêm nền kinh tế của Nga, vốn đã suy yếu do các biện pháp trừng phạt vào năm 2014 sau vụ sáp nhập Bán đảo Crimea. Đáp trả ngay sau đó, Điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ không thay đổi chính sách của mình vì những trừng phạt mới từ Mỹ.
Đây được xem là dự luật về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ phê chuẩn dưới thời Tổng thống Trump. Lệnh trừng phạt mới nhắm tới các dự án dầu khí của Nga với các công ty ở Mỹ, Đức và một số nước khác.
Do đó, dự luật này vấp phải sự phản đối của nhiều nước châu Âu, cho rằng việc này có thể gây phương hại tới các hoạt động thương mại và các công ty châu Âu tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt Nga qua khu vực Baltic tới các nước Trung Âu. Thủ tướng Áo Christian Kern và Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel lến tiếng cho rằng các trừng phạt của Mỹ có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của châu Âu.
Ngoại trưởng Đức khẳng định “không thể chấp nhận” việc luật trừng phạt mới của Mỹ yêu cầu người dân châu Âu phải từ bỏ khí đốt của Nga và thay vào đó Mỹ sẽ trở thành nhà cung cấp mới với giá cao hơn nhiều. Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Đức, đây là điểm tương thích duy nhất giữa các trừng phạt của Quốc hội Mỹ với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump, nhằm phục vụ các lợi ích kinh tế của Mỹ.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump trong một tuyên bố hôm qua cho biết cách diễn đạt liên quan đến các trừng phạt năng lượng trong dự luật đã được “cải thiện” theo phản hồi từ Liên minh châu Âu, song hiện chưa rõ những “cải thiện” này là gì.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong tuyên bố sau khi Tổng thống Mỹ ký thành luật các biện pháp trừng phạt Nga nói rằng, dù Mỹ có tính đến những lo ngại của châu Âu, song Liên minh châu Âu sẵn sàng có hành động trong vài ngày tới nếu lợi ích kinh tế của khối này bị ảnh hưởng./.