Mỹ lập bản đồ các mỏ dầu, khí đốt và khoáng sản quan trọng trên toàn quốc
Bộ trưởng Nội vụ Mỹ, Doug Burgum, vừa công bố kế hoạch lập bản đồ các mỏ dầu, khí đốt và khoáng sản quan trọng trên đất liên bang, xem đây là cơ hội để thúc đẩy phát triển năng lượng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài và giảm nợ quốc gia.

Bộ trưởng Nội vụ Mỹ, Doug Burgum, công bố kế hoạch lập bản đồ các mỏ dầu, khí đốt và khoáng sản quan trọng trên đất liên bang. Ảnh AFP
Phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở Maryland, ông Burgum không chỉ quảng bá kế hoạch này mà còn phản đối các chính sách của chính quyền Biden nhằm thúc đẩy năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu.
Theo AFP, từ lâu, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thuộc Bộ Nội vụ đã nghiên cứu tài nguyên năng lượng trên đất liên bang, bao gồm việc đánh giá lượng dầu khí có thể khai thác. Nhưng tầm nhìn của ông Burgum hướng đến một vai trò chủ động hơn, không chỉ đánh giá trữ lượng dầu khí mà còn phân tích khả năng kinh tế của các loại khoáng sản khác trên đất liên bang – một yếu tố cốt lõi trong chiến lược “khoan đi, cứ khoan đi” của ông Trump để khai thác tối đa tài nguyên năng lượng Mỹ.
USGS có nhiệm vụ “khảo sát và lập bản đồ tài nguyên để xác định xem có bao nhiêu nghìn tỷ, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ USD tài sản thuộc về công dân Mỹ”, ông Burgum nói tại hội nghị. “Vậy nên, chúng ta sẽ vẽ bản đồ, cứ vẽ bản đồ. Và rồi, chúng ta cũng sẽ khai thác, cứ tiếp tục khai thác”, ông bổ sung.
Những đánh giá mới về khoáng sản có thể giúp chính quyền thu hút thêm sự ủng hộ đối với việc khai thác năng lượng trên đất liên bang, và viện dẫn cho các kế hoạch bán bớt quỹ đất do Chính phủ quản lý. Phân tích kinh tế sâu hơn về giá trị tài nguyên dự kiến cũng có thể là cơ sở để Quốc hội thông qua việc đấu giá quyền khai thác đất, sau đó sử dụng nguồn thu từ các cuộc đấu giá này để bù đắp chi phí cho các đợt cắt giảm thuế mới.
Ông Burgum cho biết Mỹ đang có khoản nợ 36,5 nghìn tỷ USD, nhưng lại hiểu rất ít về giá trị thực sự của “tài sản nước Mỹ”.
“Nhưng dưới thời chính quyền Trump, chúng ta sẽ xây dựng bảng cân đối kế toán để nhận ra rằng chúng ta có hàng nghìn tỷ USD tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta sẽ chứng minh rằng tài sản của nước Mỹ lớn hơn rất nhiều so với số nợ mà chúng ta đang có”, ông nhấn mạnh.
Các nhóm bảo thủ từ lâu đã thúc đẩy Mỹ thoái vốn khỏi đất công. Khi còn là Thống đốc Bắc Dakota, ông Burgum đã ủng hộ một vụ kiện của bang Utah nhằm yêu cầu Chính phủ “giải phóng” các vùng đất liên bang. Hiện tại, với vai trò đứng đầu Bộ Nội vụ và Hội đồng Thống lĩnh Năng lượng Quốc gia mới của ông Trump, ông tiếp tục theo đuổi mục tiêu này.
Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường lo ngại rằng cách tiếp cận này bỏ qua giá trị sinh thái và xã hội của đất liên bang – những vùng đất không chỉ bảo tồn thiên nhiên hoang dã mà còn phục vụ du lịch, giải trí, mang lại nguồn thu kinh tế không nhỏ.
Trong bài phát biểu với các nhà hoạt động bảo thủ gần thủ đô Washington, ông Burgum cũng bày tỏ không đồng tình với các chính sách của cựu Tổng thống Joe Biden nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Ông Burgum cho rằng nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo của ông Biden – thứ mà ông gọi là “nguồn điện không ổn định, hoạt động cầm chừng và đắt đỏ” – thực chất là đến từ tiền thuế của người dân, đẩy giá điện lên cao và làm suy yếu lưới điện quốc gia, để theo đuổi “một cuộc chuyển đổi năng lượng viển vông”. “Kế hoạch này hoàn toàn điên rồ”, ông Burgum tuyên bố.