Mỹ latin trong gam mầu sáng-tối
Khu vực Mỹ latin đang rơi vào tình cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen. Dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng địa - chính trị ở Đông Âu khiến cả thế giới điêu đứng và Mỹ latin cũng không phải ngoại lệ, song khu vực này hiện vẫn ghi nhận gam màu sáng.
Điểm sáng ở Mỹ latin
Giới chuyên gia nhận định giá nguyên liệu thô tăng chóng mặt và tình hình quốc tế nhiều biến động đã giúp các đồng nội tệ của Mỹ latin tăng giá trong năm 2022, qua đó góp phần đảo ngược xu hướng tiêu cực của năm 2021. Năm ngoái, đồng peso của Argentina là đồng tiền mất giá nhiều thứ hai trên thế giới, với mức giảm 20,5% so USD. Đứng sau lần lượt là các đồng peso của Chile với 18,7%, đồng peso Colombia với 17% và sol của Peru với 11,9%. Tuy nhiên, trong quý I/2022 các đồng tiền của Mỹ latin đã “lội ngược dòng” bật tăng trở lại nhờ giá nguyên liệu thô cao, lãi suất gia tăng và các dòng tiền luân chuyển. Điều này đã thu hút các nhà đầu tư mới đang tìm kiếm đích đến an toàn hơn cho dòng tiền, trong bối cảnh xung đột tại Ukraine phủ bóng châu Âu nhưng lại giúp Mỹ latin “tỏa sáng”.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định còn rất nhiều biến động khó lường và không loại trừ khả năng các đồng tiền khu vực Mỹ Latin quay đầu xuống giá. Tháng 3 vừa qua, đồng real của Brazil là đồng tiền tăng giá mạnh thứ hai trên thế giới (sau đồng ruble Nga). Theo số liệu nền tảng thông tin tài chính của công ty tư vấn Economatica, đồng real đã tăng 7,69% so USD. Dù giữ thái độ thận trọng trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 10 tới, nhưng các nhà kinh tế vẫn không khỏi lạc quan rằng thị trường ngoại hối Brazil sẽ tiếp tục xu hướng tích cực thời gian tới. Theo ông Flavio Serrano, nhà kinh tế trưởng của hãng đầu tư Greenbay, Brazil bắt đầu kiểm soát tiền tệ sớm hơn nhiều so các nước khác, nhờ đó lãi suất tăng nhanh hơn.
Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ trung ương Peru (BCRP) cho biết, đồng sol của nước này tăng 2,74% trong 12 tháng qua và 8,68% từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo bất ổn chính trị tại Peru có thể khiến xu hướng này đảo chiều. Tại Chile, nước khai thác kim loại đồng hàng đầu thế giới, đồng peso cũng mạnh lên nhờ giá đồng cao và động thái gần đây của Ngân hàng Trung ương Chile nâng lãi suất cơ bản từ 5,5% lên 7%. Ngày 20/12/2021, một ngày sau chiến thắng của Tổng thống Gabriel Boric, đồng bạc xanh đã đạt mức cao nhất trong lịch sử Chile với tỷ giá 876 peso/USD. Kể từ đó, giá USD ngày càng giảm và trượt xa mốc 800 peso. Chuyên gia kinh tế Francisco Castaneda thuộc Trường đại học Santiago de Chile nhận định, lãi suất cao giúp Chile thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn so Mỹ và châu Âu.
Tại Argentina đang diễn ra hai kịch bản. Một mặt, đồng peso đẩy nhanh tốc độ mất giá trên thị trường hối đoái chính thức, phù hợp chiến lược đã thống nhất với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhưng mặt khác giá đồng bạc xanh lại giảm trên các thị trường thay thế. Giới phân tích cho rằng, trong những tháng tới thị trường Argentina sẽ ổn định hơn nhờ nguồn thu USD từ xuất khẩu ngũ cốc của vụ mùa này và tốc độ mất giá trên thị trường chính thức được duy trì, qua đó thu hẹp chênh lệch tỷ giá với thị trường tự do.
Tăng trưởng dự báo ảm đạm
Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID) cảnh báo, cuộc khủng hoảng địa-chính trị tại Đông Âu đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Mỹ latin và khiến cơ quan này giảm kỳ vọng tăng trưởng của khu vực trong giai đoạn 2022-2024. Trong báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2022, BID lý giải rằng, giá nguyên liệu thô tăng cùng nhiều yếu tố không thuận lợi có thể làm giảm 1,5% mức dự báo tăng trưởng GDP trung bình hằng năm của Mỹ latin trong ba năm tới. Nga là thị trường quan trọng đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Mỹ latin và Caribe như các sản phẩm sữa, thịt và trái cây. Ở chiều ngược lại, khu vực này nhập khẩu khoảng 20% tổng lượng phân bón và hơn 5% sắt thép từ Nga. Giá dầu và ngũ cốc cao sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu Mỹ latin, song các nhà nhập khẩu, chủ yếu ở Trung Mỹ và Caribe, sẽ đối mặt nhiều khó khăn.
Ngân hàng BID cảnh báo, giá nguyên vật liệu cao đã cản trở đà tăng trưởng kinh tế, đẩy lạm phát tăng, do đó khiến gia tăng tỷ lệ người nghèo và bất bình đẳng tại Mỹ latin. BID hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này từ 2,1% xuống 1,2% năm 2022 và 0,4% năm 2024, trước khi quay trở lại mức tăng trưởng dài hạn là khoảng 2,5%. Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Mỹ latin và Caribe từ 2,6% xuống 2,3% do lo ngại tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, lạm phát cao và các tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s khẳng định, xung đột Nga-Ukraine sẽ làm tăng lạm phát và giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Mỹ latin, dù trên thực tế những tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng Ukraine với Mỹ latin ít hơn các khu vực khác trên thế giới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-quocte/my-latin-trong-gam-mau-sang-toi-692753/