Mỹ: Lầu Năm Góc khuyến khích chuyển sản xuất đến các quốc gia bằng hữu
Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch công bố một loạt thỏa thuận trong vài tháng tới nhằm thiết lập dây chuyền sản xuất vũ khí ở châu Âu và các nơi khác.
Lầu Năm Góc gần đây đã vạch ra kế hoạch chế tạo hàng nghìn vũ khí tự động như máy bay không người lái (gọi là drone hoặc UAV) trong vòng 2 năm trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang làm tăng nhu cầu về khí tài quân sự, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 2/9.
Tuy nhiên, theo tờ báo Mỹ, tình trạng thiếu chip, máy móc và công nhân lành nghề đã hạn chế khả năng tăng cường năng lực sản xuất trong nước của các công ty quốc phòng Mỹ.
Do đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đang khuyến khích các nhà thầu quốc phòng theo đuổi chính sách Friendshoring (chuyển sản xuất đến các quốc gia bằng hữu). Điều đó nghĩa là nới lỏng các quy định về sản xuất ở nước ngoài và chia sẻ công nghệ quân sự với các nhà sản xuất ở các quốc gia đồng minh, như Đức, Ba Lan và Australia.
Cách tiếp cận mới
Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách mua sắm Bill LaPlante gần đây cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch công bố một loạt thỏa thuận trong vài tháng tới nhằm thiết lập dây chuyền sản xuất vũ khí ở châu Âu và các nơi khác.
“Điều chúng tôi hướng tới là cùng phát triển, cùng sản xuất và cùng duy trì với các đối tác của mình”, ông LaPlante nói.
Cách tiếp cận mới đã tạo điều kiện cho các thỏa thuận, trong đó các công ty Ba Lan sản xuất tên lửa Javelin do Mỹ thiết kế – được sử dụng rộng rãi ở Ukraine – và các công ty Đức sản xuất các bộ phận cho máy bay chiến đấu phản lực Lockheed Martin F-35 và một loại bệ phóng tên lửa mới.
Mỹ đã cam kết cung cấp hơn 40 tỷ USD vũ khí, đạn dược và vật tư cho Ukraine kể từ khi Nga mang quân vào quốc gia Đông Âu hơn 18 tháng trước, nhưng các công ty quốc phòng Mỹ đã mất nhiều thời gian hơn dự kiến của Lầu Năm Góc để tăng cường năng lực sản xuất trong nước nhằm duy trì lượng hàng tồn kho của Mỹ.
Thay vào đó, các công ty quốc phòng Mỹ và các nước đồng minh đang tìm cách khai thác và mở rộng năng lực sản xuất ở nước ngoài.
Các công ty Mỹ sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự ở nước ngoài không phải là điều mới mẻ, với Lockheed Martin, RTX và General Dynamics, tất cả đều có cơ sở sản xuất ở nước ngoài thông qua các thỏa thuận mua lại.
Tuy nhiên, hầu hết hoạt động sản xuất ở nước ngoài đều diễn ra trong một khuôn khổ gọi là “thỏa thuận bù đắp”, theo đó khách hàng đồng ý mua vũ khí của Mỹ để đổi lấy một số hoạt động sản xuất và việc làm diễn ra tại đất nước của họ.
Một trong những nỗ lực quan trọng nhất nhằm thúc đẩy sản xuất thông qua các thỏa thuận hợp tác là liên minh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ, được gọi là AUKUS.
Hiệp ước AUKUS không chỉ là về việc cung cấp tàu ngầm cho Australia. Ngoài ra, nó còn bao gồm việc sử dụng Australia làm địa điểm để sản xuất máy bay không người lái có vũ trang, động cơ tên lửa và các thiết bị khác cho Lầu Năm Góc.
“AUKUS là một sự thay đổi lớn lao”, ông Alek Jovovic, chuyên gia hàng đầu về hàng không và quốc phòng tại công ty tư vấn Oliver Wyman cho biết, đồng thời chỉ ra việc chuyển giao công nghệ giữa Mỹ và Australia.
Cuối tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong một tuyên bố chung với Thủ tướng Australia Anthony Albanese , cho biết Mỹ sẽ thực hiện các bước sửa đổi luật của mình để hợp lý hóa việc chia sẻ công nghệ với Australia.
Sự thay đổi này sẽ coi Australia là “nguồn nội địa” trong Đạo luật Sản xuất Quốc phòng năm 1950, cùng với Mỹ và Canada.
Tìm kiếm khuôn khổ mới
Ở châu Âu, kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng của các quốc gia trên “lục địa già” sau cuộc xung đột ở Ukraine cũng đã khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư nhiều hơn vào khu vực này và theo đuổi nhiều liên doanh hơn.
Đơn đặt hàng trị giá 8,8 tỷ USD của Berlin cho máy bay chiến đấu F-35 đã mở ra cơ hội cho Đức gia nhập tập đoàn đa quốc gia chế tạo các bộ phận cho máy bay tàng hình. Tập đoàn công nghệ hàng không và quốc phòng Mỹ Northrop Grumman đã chọn Rheinmetall, một nhà sản xuất đạn dược và phụ tùng xe tăng lớn của Đức, để chế tạo các bộ phận thân máy bay trung tâm trong một liên doanh mới.
Công ty Đức lấp đầy khoảng trống mà các công ty Thổ Nhĩ Kỳ để lại sau khi Ankara bị loại khỏi chương trình F-35 vào năm 2019 vì họ chọn mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga được cho là có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của tiêm kích Mỹ.
Tuy nhiên, Rheinmetall sẽ không chỉ lấp đầy khoảng trống mà Thổ Nhĩ Kỳ để lại mà còn cung cấp thêm công suất, ông Dave Keffer, CFO của Northrop Grumman, cho biết.
Cuộc đại tu quân đội của Ba Lan thậm chí còn lớn hơn của Đức, với các đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ USD trong năm qua để mua thiết bị từ Mỹ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các nơi khác.
Lockheed Martin và RTX – hai nhà sản xuất tên lửa chống tăng Javelin – đang đàm phán với Mesko của Ba Lan, một phần của tập đoàn vũ khí PGZ thuộc sở hữu nhà nước, để sản xuất Javelin và các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, theo đại diện của các công ty.
Ông Przemysław Kowalczuk, giám đốc điều hành của Mesko, cho biết thời điểm đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc sản xuất Javelin phụ thuộc vào Bộ Ngoại giao Mỹ – cơ quan có tiếng nói cuối cùng về các thỏa thuận đó.
Ông Frank St. John, giám đốc điều hành của Lockheed, cho biết Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đang nghiên cứu một khuôn khổ mới để hợp lý hóa việc phê duyệt các liên doanh và hợp tác sản xuất như vậy.
Nhược điểm của việc đặt sản xuất bên ngoài nước Mỹ bao gồm việc khiến các công ty quốc phòng của “xứ cờ hoa” phải chịu sự biến động của ngoại tệ và những luồng gió chính trị rộng lớn hơn.
Khi Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35, Lầu Năm Góc từng ước tính cần một năm để tìm giải pháp thay thế cho các nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thực tế là họ đã mất 3 năm để thực hiện được điều đó.
Các quan chức quân sự Mỹ khẳng định rằng kho tên lửa và đạn pháo hiện tại đủ dùng cho Mỹ khi đối mặt các mối đe dọa. Quân đội Mỹ từ chối bình luận về việc liệu năng lực sản xuất dự kiến tăng thêm thông qua Friendshoring có được tính vào các mục tiêu của Lầu Năm Góc để tăng sản lượng hay không, bao gồm cả kế hoạch tăng gấp 3 lần sản lượng đạn pháo 155mm trong 18 tháng tới, lên thành 80.000 quả mỗi tháng.
Minh Đức (Theo WSJ, The Conversation)