Mỹ liên tiếp tập trận trên biển Đông
Mỹ đã tổ chức ít nhất 85 cuộc tập trận quân sự chung với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm 2019 nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là ở biển Đông.
Theo báo cáo của Sáng kiến Đánh giá tình hình chiến lược biển Đông (một viện nghiên cứu chính sách thuộc trường ĐH Bắc Kinh), các cuộc tập trận được thực hiện trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 11-2019, có quy mô khác nhau và đều nhằm mục đích duy nhất là mở rộng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, tăng cường năng lực phòng thủ của các đồng minh của Washington.
Báo cáo nêu rõ: "Thông qua các cuộc tập trận này, Mỹ đang tăng cường khả năng phối hợp với các quốc gia khác, tạo ra sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn để kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc hàng hải". Đồng thời, viện nghiên cứu cho rằng Mỹ có khả năng sẽ tổ chức nhiều cuộc tập trận hơn vào khả năng chiến đấu cốt lõi để giải quyết các mối đe dọa an ninh do Washington nhận diện.
Trong số các cuộc diễn tập hải quân đa quốc gia được tổ chức trong giai đoạn này, Philippines, Thái Lan và Singapore lần lượt tham gia vào ít nhất 16, 9 và 6 cuộc tập trận chung với Mỹ, báo cáo cho biết.
Dù cả Bangkok và Singapore đều không có tranh chấp cùng Bắc Kinh trên Biển Đông, hợp tác quân sự của những chính phủ này với Washington vẫn ngày càng gắn bó.
Bên cạnh đó, báo cáo mới cũng cho biết Mỹ đã mời cả những đồng minh khác như Nhật, Ấn Độ và Úc, cùng tham gia tập trận tại biển Đông. "Sự tham gia của những đồng minh này sẽ giúp quân đội Mỹ sẵn sàng chiến đấu tốt hơn", theo báo cáo của viện nghiên cứu Trung Quốc.
Chuyên gia Collin Koh tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) cho rằng việc tăng cường khả năng phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh khu vực sẽ làm rối kế hoạch quân sự của Bắc Kinh ở biển Đông.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Biển Đông.
Hôm 13-12, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc John Aquilino, nói rằng Trung Quốc xây dựng các cấu trúc ở biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, gây tổn hại đến môi trường, có mục đích quân sự và "cuối cùng là cưỡng chế và bắt nạt các quốc gia trong khu vực". Đô đốc khẳng định mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và các quốc gia "có cùng chí hướng" sẽ giữ an toàn cho các quốc gia châu Á trước sự cạnh tranh từ một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Theo lời Tướng Charles Brown - Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, các máy bay chiến đấu Mỹ như máy bay ném bom, máy bay do thám U-2, máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk liên tục thực hiện các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông.