Mỹ lo ngại gián điệp Trung Quốc

Mỹ và Trung Quốc vốn có lịch sử lâu dài do thám lẫn nhau. Tuy nhiên, vụ khinh khí cầu Trung Quốc bay ngang qua Mỹ và bị bắn hạ mở ra một mối lo ngại mới.

 Quả khí cầu bay ngòa khơi bờ biển South Carolina hôm 4/2. Ảnh: Chad Fish/AP.

Quả khí cầu bay ngòa khơi bờ biển South Carolina hôm 4/2. Ảnh: Chad Fish/AP.

Việc khinh khí cầu Trung Quốc bay ngang qua Mỹ trước khi bị bắn hạ hôm 4/2 đã thu hút sự chú ý lớn từ công chúng. Mỹ khẳng định đây là khí cầu do thám, trong khi phía Trung Quốc nói đây là thiết bị dân sự, phục vụ chủ yếu cho hoạt động nghiên cứu khí tượng.

Tuy nhiên, AP nhận định nếu đây đúng là khí cầu do thám, thì điều ngạc nhiên là phương tiện trong lần này, chứ không phải bản thân hoạt động này.

Các quan chức Mỹ cho biết dựa trên các cách thức ít công khai nhưng đáng lo ngại hơn, Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào các cơ quan chính phủ và các ngành công nghiệp Mỹ.

Họ thiết kế các hoạt động gián điệp thu thập kho bí mật thương mại và dữ liệu cá nhân nhạy cảm từ Mỹ. Đây chính là mối lo ngại thường trực của các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo trong nhiều đời tổng thống Mỹ.

“Hai bên có lịch sử lâu dài do thám lẫn nhau. Trong trường hợp này, có thể Trung Quốc đã hành động không đúng mực”, Bonnie Glaser - chuyên gia về châu Á và là giám đốc điều hành chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Quỹ Marshall (Đức) - cho biết.

Mối lo về an ninh mạng

Dù Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất Mỹ lo ngại, Bắc Kinh thường âm thầm thâm nhập vào các mạng lưới của Washington. Các quan chức Mỹ cho rằng việc sử dụng gián điệp mạng đánh cắp bí mật thương mại vi phạm các quy tắc gián điệp truyền thống.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray nhiều lần nhấn mạnh chương trình khai thác và truy cập bất hợp pháp vào hệ thống máy tính, thiết bị hoặc mạng của Trung Quốc lớn hơn mọi quốc gia cộng lại. Ông Wray cho rằng chương trình này đánh cắp dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp, cũng như mã nguồn.

Trong bài phát biểu vào năm 2022, ông Wray cho hay Trung Quốc “có phạm vi và sự hiện diện toàn cầu tương xứng với một cường quốc, nhưng họ từ chối hành động trong vai trò này và thường xuyên lợi dụng khả năng của mình để đánh cắp và đe dọa, thay vì để hợp tác và xây dựng”. Giám đốc FBI cũng từng nói Trung Quốc “đặt ra mối đe dọa lâu dài lớn nhất với nền kinh tế và an ninh quốc gia” Mỹ.

Hồi năm 2014, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội 5 chuyên viên quân đội Trung Quốc xâm nhập hệ thống máy tính của các công ty tư nhân Mỹ để lấy cắp các bí mật thương mại quan trọng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó phản ứng giận dữ trước động thái mới nhất của Mỹ. Ông Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc đó, cho biết Bắc Kinh đã đình chỉ tham gia nhóm làm việc chung giữa hai nước về an ninh mạng để phản đối hành động của Washington, đồng thời yêu cầu Mỹ thu hồi "quyết định vô căn cứ".

 Hình ảnh thu hồi xác khinh khí cầu nghi là khí cầu do thám của Trung Quốc hôm 5/2. Ảnh: US Navy/AP.

Hình ảnh thu hồi xác khinh khí cầu nghi là khí cầu do thám của Trung Quốc hôm 5/2. Ảnh: US Navy/AP.

Một năm sau, nhóm tin tặc Trung Quốc đã truy cập thông tin cá nhân của hàng triệu nhân viên chính phủ liên bang trong vụ tấn công Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ.

Các bản cáo trạng sau đó của Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp thông tin từ công ty bảo hiểm chăm sóc sức khỏe Anthem, đồng thời đột nhập vào mạng máy tính của cơ quan báo cáo tín dụng Equifax và lấy dữ liệu cá nhân của hàng chục triệu người Mỹ.

Các quan chức Mỹ cũng phát hiện ra nhiều hoạt động trực tiếp khác ngay trên nước này, thay vì phía sau màn hình máy tính.

Tháng trước, một cựu sinh viên Chicago bị kết án 8 năm tù vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc, bằng cách thu thập thông tin về các nhà khoa học và kỹ sư ở Mỹ có kiến thức về công nghệ vệ tinh - hàng không vũ trụ.

Mối lo về công ty công nghệ

Từ lâu, Mỹ cũng cảnh giác với các công ty có trụ sở tại nước này, với nghi ngờ họ có khả năng truy cập dữ liệu người dùng bất hợp pháp.

Các quan chức Mỹ đang thảo luận riêng tư về số phận của mạng xã hội TikTok, công ty có trụ sở ở Bắc Kinh. Hồi tháng 12/2022, ông Wray đưa ra cảnh báo an ninh quốc gia về công ty này, nói Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng để thu thập dữ liệu người dùng và có khả năng kiểm soát thuật toán đề xuất. TikTok cho biết họ đang hành động nhằm xoa dịu những lo ngại này.

Trong nhiều năm, Mỹ cũng hành động nhằm chống lại gã khổng lồ công nghệ Huawei, cáo buộc họ có khả năng tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp. Công ty này bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc.

Vào tháng trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden ngừng phê duyệt gia hạn giấy phép cho một số công ty Mỹ đang bán các thành phần thiết yếu cho công ty này, Financial Times đưa tin.

 Trong nhiều năm, Mỹ có hành động nhằm chống lại gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc. Ảnh: Financial Times.

Trong nhiều năm, Mỹ có hành động nhằm chống lại gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc. Ảnh: Financial Times.

"Các cuộc tấn công ác ý và vô căn cứ"?

Trong vụ khinh khí cầu, tuyên bố từ phía Trung Quốc cho hay khinh khí cầu trên có khả năng điều hướng hạn chế, do đó bị gió đẩy lệch khỏi lộ trình ban đầu. Bắc Kinh lấy làm tiếc khi nó vô tình tiến vào không phận Mỹ.

Không chỉ về vụ này, trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã nhiều lần cáo buộc Mỹ thực hiện “các cuộc tấn công ác ý và vô căn cứ”, đồng thời khẳng định Washington cũng có những hành động giống như họ đã cáo buộc Bắc Kinh.

Tuy nhiên, không phải tất cả cuộc điều tra Mỹ tập trung vào Trung Quốc đều thành công.

Năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã phát triển chương trình “Sáng kiến Trung Quốc” nhằm trấn áp các hoạt động gián điệp.

Tuy nhiên, vào năm ngoái, chương trình này đã được đổi tên, sau hàng loạt đánh giá kéo dài hàng tháng bởi những lời phàn nàn rằng chương trình làm nguội lạnh hợp tác học thuật, góp phần vào thiên kiến chống người châu Á.

Một số vụ án hình sự chống lại các giáo sư ở Mỹ - những người bị buộc tội che giấu nghiên cứu từ Trung Quốc - cũng thất bại.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-lo-ngai-gian-diep-trung-quoc-post1400252.html