Mỹ lo ngại xuất hiện 'tội phạm ẩn' trong dịch COVID-19

Các biện pháp cách ly xã hội khắp nơi trên thế giới vì đại dịch COVID-19 đã khiến tỷ lệ tội phạm giảm đáng kể. Tuy nhiên, điều này làm dấy lên lo ngại các nạn nhân đang bị mắc kẹt trong nhà, không thể ra ngoài để báo cảnh sát.

Cảnh sát thành phố New York bắt giữ một người đàn ông vào tháng 4. Ảnh: NY Times

Cảnh sát thành phố New York bắt giữ một người đàn ông vào tháng 4. Ảnh: NY Times

David Todd, Cảnh sát trưởng của Sở Cảnh sát Fargo, bang Bắc Dakota (Mỹ), rời bàn làm việc và đi bộ vào trung tâm thành phố. Trong những tuần gần đây, anh thường chứng kiến khung cảnh đường phố vắng vẻ lạ thường. Sân vận động, sân chơi, vỉa hè, bãi đậu xe không một bóng người, không khí ảm đạm bao trùm cả thành phố.

“Không khí ảm đạm và u buồn là điều mà chúng tôi chưa từng trải qua trước đây. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên cố gắng ghi lại khoảnh khắc này”, sĩ quan cảnh sát 32 tuổi, nói.

Theo báo New York Times, sự vắng mặt của con người trong đại dịch COVID-19 đã khiến tỷ lệ tội phạm mắc các tội nghiêm trọng tại Fargo và các hầu hết các thành phố lớn của Mỹ đều giảm mạnh.

“Tội phạm đường phố đã giảm mạnh khi người dân đều ở nhà vì dịch COVID-19”, ông Philip Stinson, cựu sĩ quan cảnh sát, Giáo sư Tư pháp hình sự tại Đại học bang Bowling Green, cho biết.

Khi hàng chục triệu người Mỹ không ra ngoài đường, nạn nhân và cơ hội phạm tội có vẻ cùng "biến mất", số lượng tội phạm vì thế cũng giảm đi. Tuy nhiên, việc bắt giữ tội phạm cũng gặp một số trở ngại do quá trình kiểm dịch, hạn chế tương tác xã hội hoặc tránh làm nhà tù quá tải.

Ông Thomas Lemmer thuộc Sở Cảnh sát Chicago cho biết nhà tù Cook County đã trở thành một trong những điểm nóng bùng phát dịch COVID-19 ở Mỹ, lượng tội phạm đã giảm hơn 73% trong tháng đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, tội ác không hoàn toàn biến mất và một số kẻ phạm tội nguy hiểm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Những vụ giết người ở nhiều thành phố vẫn không giảm đi, thậm chí còn tăng lên.

Sự suy giảm của các cuộc gọi tố cáo lạm dụng trẻ em và bạo hành gia đình giảm đáng kể cho thấy một sự thật đáng lo ngại. Cảnh sát nghi ngờ rằng nhiều nạn nhân đang “mắc kẹt” trong nhà, trẻ em không thể đến trường để được phát hiện những vết bầm tím trên thân thể và mọi người không thể thoát khỏi những kẻ lạm dụng họ trong đại dịch COVID-19.

Điều này có nghĩa là, về bản chất, tội ác không giảm mà chỉ "ẩn" đi và chưa bị tố cáo hay phát hiện.

Bà Sally Bown, phát ngôn viên của sở cảnh sát thành phố tại Chicago, cho biết kỳ nghỉ lễ tưởng niệm Memorial Day cuối tuần là “những ngày chết chóc” nhất trong 5 năm qua, với 10 người thiệt mạng và 39 người bị thương.

Ở nhiều thành phố của Mỹ, các vụ trộm tài sản và trộm cắp ô tô đã tăng lên gấp nhiều lần ở những cửa hàng đóng cửa hoặc không có người trông coi. Những tên tội phạm cũng dễ dàng trao đổi, buôn bán bất hợp pháp ma túy, chất gây nghiện cho những tên nghiện khác cũng đang trú ẩn tại nhà.

Các sĩ quan cảnh sát và các nhà tội phạm học cho biết tội phạm vị thành niên được coi là những kẻ có xu hướng bạo lực nhất, đã lợi dụng thời cơ này để phạm tội ở nhiều nơi. Khi ít nhân chứng xung quanh và ít cảnh sát ngăn chặn họ, chúng có thể dễ thoát tội và ít khả năng bị bắt hơn. Những đối tượng này cũng có thể dễ dàng tìm cách tẩu thoát, khi việc theo dõi các trùm ma túy hoặc các thủ lĩnh băng đảng, khó khăn hơn vì chúng chủ yếu cũng trú ẩn tại nhà như những người dân khác.

Tại Las Vegas, cảnh sát cho biết tội phạm đã giảm hơn 22% trong 2 tháng đầu thực hiện lệnh phong tỏa. Khu vực Las Vegas Strip nổi tiếng với các hộp đêm và quán bar đông đúc, thường xuất hiện nhiều tội phạm nhưng từ khi không có khách du lịch trong nhiều tuần, tội phạm đã chuyển sang nhắm đến một số khu dân cư.

Tội phạm tổng thể đã giảm hơn 22% tại Las Vegas trong hai tháng đầu tiên phong tỏa. Ảnh: Shutterstock

Tội phạm tổng thể đã giảm hơn 22% tại Las Vegas trong hai tháng đầu tiên phong tỏa. Ảnh: Shutterstock

Lịch sử đã cho thấy rằng các thời kỳ khó khăn thường làm giảm tội phạm. Theo hồ sơ được phân tích bởi Leigh Bienen, Giáo sư Luật tại Đại học Northwest Chicago, bang này đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của các vụ giết người vào năm 1918, khi nước Mỹ đối mặt với dịch cúm Tây Ban Nha. Sau 293 vụ giết người trong thành phố vào năm 1917, con số đã giảm xuống còn 260 vào năm 1918 trước khi tăng lên 345 vào năm sau.

Tỷ lệ tội phạm tương tự giảm trong cuộc Đại khủng hoảng bắt đầu vào năm 1929, cũng như trong cuộc suy thoái 2008 - 2009, Richard Rosenfeld, một nhà tội phạm học tại Đại học Missouri-St. Louis, cho biết.

“Điều đó trái ngược với nhận thức phổ biến rằng khi khủng hoảng lan rộng, tỷ lệ tội phạm sẽ tăng lên. Khi có ít người trên đường phố, tội phạm tiềm ẩn sẽ ít hơn, bất kể sự gia tăng mức độ kinh tế hay khủng hoảng”, Tiến sĩ Rosenfeld nói.

Kể từ khi phong tỏa đến ngày 17/5, tỷ lệ tội phạm tại New York đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các vụ giết người không thay đổi, các vụ trộm nói chung đều tăng lên và các vụ trộm xe đã tăng gần 68%.

Theo ông Christopher Herrmann, Giáo sư Luật và Khoa học cảnh sát tại Đại học Tư pháp hình sự John Jay, không có mô hình phạm tội rõ ràng nào cho tất cả các thành phố. Các vụ giết người trong năm nay đã tăng 14% ở Philadelphia và 85% ở Nashville, nhưng đã giảm 2% ở Baltimore và 11% ở Atlanta.

Tại Manhattan, một nghi phạm bị bắt hồi đầu tháng 5 đã bị buộc tội đột nhập vào 19 nhà hàng, trộm được khoảng 30.000 USD tiền mặt, rượu và đồ điện tử. “Họ đang nhắm mục tiêu vào thành phố New York, các thương nhân và doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa vì đại dịch”, ông Michael Lipetri, người đứng đầu chiến lược kiểm soát tội phạm của Sở cảnh sát New York, cho biết.

Cảnh sát thành phố McMinnville, bang Oregon, cho biết họ đã bắt giữ 26 kẻ tình nghi trong 35 vụ đột nhập trong vòng 1 tháng, nhiều hơn so với 14 vụ trộm vào tháng 4/2019. Đại úy Rhonda Jaasko, đội trưởng tuần tra cho biết một mô hình trộm cắp quần áo và đồ điện tử bất thường từ các nhà thờ trong khu vực lần đầu tiên được cảnh báo.

Khu giải trí ở quận Lower Broadway tại Nashville, một thành phố hiếm hoi có lượng tội phạm gia tăng trong đại dịch. Ảnh: NY Times

Khu giải trí ở quận Lower Broadway tại Nashville, một thành phố hiếm hoi có lượng tội phạm gia tăng trong đại dịch. Ảnh: NY Times

Bên cạnh tội phạm, nhiều sở cảnh sát cho biết họ đang phải đối phó với số lượng người nghiện ma túy và tự tử cao hơn. Các sĩ quan cảnh sát ở thành phố Kalamazoo, bang Michigan, cho biết vào tháng 4, họ đã bắt được 26 người sử dụng ma túy quá liều, và hai trong số những người đó đã chết.

Các chuyên gia đang dự đoán rằng khi đất nước dỡ bỏ lệnh phong tỏa, liệu tội phạm sẽ tăng trở lại mức trước đó hay không. Tiến sĩ Herrmann thuộc Đại học John Jay cho rằng sự gia tăng tội phạm sau phong tỏa rất có thể sẽ chậm hơn vì mọi người vẫn còn do dự về việc đi ra ngoài. Tuy nhiên, các nhân viên cảnh sát đang chuẩn bị cho những gì xảy ra tiếp theo.

“Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Điều đó khiến tôi lo lắng, dù đứng từ góc nhìn của một viên cảnh sát hay của một người dân Mỹ”, bà Chris Bailey, Trợ lý Giám đốc tại Sở cảnh sát thành phố Indianapolis, nói.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/my-lo-ngai-xuat-hien-toi-pham-an-trong-dich-covid19-20200528142844583.htm