Mỹ mong chờ tín hiệu rõ ràng hơn từ Triều Tiên về vấn đề hạt nhân
Theo kế hoạch, trong ngày 21/6, Đặc phái viên về hạt nhân của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ thảo luận về chiến lược phối hợp chung giữa 3 nước nhằm đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán hạt nhân.
Theo hãng tin Yonhap, đặc phái viên Mỹ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, ông Sung Kim ngày 21/6 bày tỏ mong chờ vào sự hồi đáp tích cực từ phía Triều Tiên về triển vọng thúc đẩy đối thoại hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Ông Sung Kim hiện đang có mặt tại Hàn Quốc trong chuyến công du 5 ngày tại quốc gia Đông Bắc Á này, bắt đầu từ 19/6.
Theo kế hoạch, trong ngày 21/6, ông Sung Kim gặp song phương với Đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc Noh Kyu-duk và tham gia cuộc họp ba bên với ông Noh và Đặc phái viên hạt nhân của Nhật Bản Takehiro Funakoshi, thảo luận về chiến lược phối hợp chung giữa 3 nước nhằm đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán hạt nhân.
Cuộc gặp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên vừa kết thúc Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8.
Tại hội nghị, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đánh giá những thay đổi lớn diễn ra gần đây trên trường quốc tế và môi trường bên ngoài Triều Tiên, trong đó phân tích cụ thể xu hướng chính sách của chính quyền mới tại Mỹ đối với Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã "nêu rõ các đối sách chiến thuật và chiến lược phủ hợp cũng như đường hướng hành động" cần được duy trì trong quan hệ với Mỹ trong những ngày tới, theo đó ông "nhấn mạnh cần chuẩn bị sẵn sàng cho cả đối thoại và đối đầu, đặc biệt là chuẩn bị toàn diện cho đối đầu, để bảo vệ phẩm giá, lợi ích phát triển độc lập của quốc gia và bảo đảm một cách đáng tin cậy môi trường hòa bình, an ninh của đất nước."
Những phát biểu trên là thông điệp đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về chính quyền mới ở Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua.
Bình luận về tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 21/6 gọi đây là "tín hiệu thú vị," đồng thời cho biết Washington vẫn chờ liên hệ trực tiếp từ phía Bình Nhưỡng để thảo luận về các bước đi thời gian tới./.