Mỹ: Một người tử vong sau khi tiêm vắcxin ngừa COIVD-19 tại California
Một người đã được tiêm phòng vắcxin COVID-19 vài giờ trước khi tử vong ngày 21/1 vừa qua và vắcxin được tiêm cho nạn nhân không thuộc diện quản lý của Cơ quan Y tế Công cộng hạt Placer.
Tại Mỹ, giới chức địa phương ngày 24/1 cho biết một người tại hạt Placer, thuộc bang California đã tử vong vài giờ sau khi được tiêm vắcxin COVID-19.
Nhà chức trách đang tiến hành điều tra vụ việc.
Trên mạng xã hội Facebook, Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Placer thông báo Văn phòng này và Cơ quan Y tế Công cộng hạt Placer mới đây đã nhận được thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cuối tháng 12/2020.
Người này đã được tiêm phòng vắcxin COVID-19 vài giờ trước khi tử vong ngày 21/1 vừa qua.
Văn phòng trên khẳng định vắcxin được tiêm cho nạn nhân không thuộc diện quản lý của Cơ quan Y tế Công cộng hạt Placer.
Nguồn tin không tiết lộ nạn nhân đã được tiêm loại vắcxin của nhà sản xuất nào. Các cơ quan liên bang, bang và địa phương đang tích cực điều tra vụ việc trên.
Trước đó, thế giới đã ghi nhận những trường hợp tử vong sau khi được tiêm vắcxin COVID-19. Na Uy công bố 33 ca tử vong trong số những người cao tuổi được tiêm mũi đầu của vắcxin do hai hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế.
Nhà chức trách nước này khẳng định không có mối liên hệ giữa vắcxin ngừa COVID-19 với các ca tử vong sau tiêm phòng, tuy nhiên khuyến nghị các bác sỹ cân nhắc tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi tiêm.
Ngày 25/1, Bộ trưởng Giáo dục Australia Alan Tudge cho rằng việc số hóa chứng nhận tiêm vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể mở đường cho sinh viên quốc tế trở lại nước này.
Theo đề xuất của ông Tudge, những người đã tiêm phòng vắcxin đến Australia sẽ không phải cách ly 14 ngày. Tuy nhiên, biện pháp này có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào cách chính phủ kết nối chứng nhận tiêm chủng vắcxin với hệ thống tờ khai nhập cảnh điện tử dự kiến được triển khai từ năm 2021.
Bộ trưởng Tudge nhấn mạnh: "Mục tiêu của chúng tôi là khi đó sẽ có thể đính kèm chứng nhận tiêm phòng vắcxin xác thực và được kết nối về mặt sinh trắc học với tờ khai nhập cảnh điện tử." Ông Tudge lưu ý nếu tìm được giải pháp, chứng nhận điện tử tiêm phòng có thể thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến Australia.
Trước đó vài ngày, ông Tudge cho biết Australia khó có thể tiếp nhận một số lượng lớn du học sinh tới học tập trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trước khi đại dịch bùng phát, hơn 400.000 sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học Australia. Theo Cục Thống kê Australia, mảng đào tạo sinh viên nước ngoài đóng góp vào ngân sách khoảng 32 tỷ AUD (25,3 tỷ USD) trong tài khóa 2017-2018./.