Mỹ - Nam Phi đấu khẩu vì cáo buộc tuồn vũ khí cho Nga
Khintedothi - Đại sứ Mỹ tại Nam Phi hôm 11/5 nói rằng nước này đã bí mật cung cấp vũ khí cho Nga - một cáo buộc khiến Pretoria giận dữ phản bác.
Phát biểu trong một cuộc họp báo với giới truyền thông, Đại sứ Reuben Brigety cho biết Mỹ tin rằng vũ khí và đạn dược đã được chất lên một tàu chở hàng của Nga cập cảng tại căn cứ hải quân Cape Town vào tháng 12 năm ngoái.
"Tôi dám đặt cược mạng sống của mình để đảm bảo tính chính xác của khẳng định đó" - Đặc phái viên Mỹ tại Nam Phi nói - "Việc Nam Phi vũ trang cho Nga... về cơ bản là không thể chấp nhận được."
Văn phòng của Tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa, đã nhanh chóng phản pháo lại, chỉ trích những nhận xét này đã "làm suy yếu tinh thần hợp tác" giữa hai quốc gia.
"Mặc dù chưa có bằng chứng nào chứng minh cho những cáo buộc này, nhưng Chính phủ đã tiến hành một cuộc điều tra độc lập" - tuyên bố từ Văn phòng của Tổng thống Nam Phi cho biết.
Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói với báo giới rằng: "Chúng tôi tiếp tục cam kết thực hiện chương trình nghị sự của mình với các đối tác Nam Phi" - ám chỉ các hợp tác về y tế công cộng, khí hậu và thương mại giữa hai nước.
Ông cũng từ chối nêu ra bất kỳ hậu quả nào đối với Nam Phi về cáo buộc này, mặc dù chính Mỹ liên tục đe dọa trừng phạt Trung Quốc nếu nước này gửi vũ khí cho Nga.
Nam Phi - quốc gia có quan hệ kinh tế và thương mại mạnh mẽ với Mỹ và châu Âu - đã và đang thắt chặt ngoại giao trong cuộc xung đột Ukraine. Thương mại với Nga nhỏ hơn nhiều, nhưng Pretoria có quan hệ với Moscow từ hàng chục năm trước, khi Điện Kremlin ủng hộ đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của Nam Phi trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc.
Nam Phi cũng là một thành viên của BRICS - nhóm cùng Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc đã ủng hộ chủ nghĩa đa phương như một đối trọng với trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo.
Tháng 3 vừa qua, nước này đã phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan về ngoại giao sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin - người sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi vào tháng 8 năm nay.
Đáp lại, tháng trước, Tổng thống Ramaphosa cho biết ANC đã xem xét khả năng Nam Phi nên rời khỏi ICC.
Eurasia Group, một nhóm chuyên gia cố vấn, bình luận rằng những cáo buộc của đại sứ Brigety có thể là một nỗ lực nhằm "gây ảnh hưởng đến Nam Phi để thay đổi lập trường trung lập của nước này đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine".
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/my-nam-phi-dau-khau-vi-cao-buoc-tuon-vu-khi-cho-nga.html