Mỹ - Nga sau tám giờ căng thẳng: Cơ hội nào cho đột phá?
Các quan chức Mỹ và Nga hôm thứ Hai đã có tám giờ thảo luận 'thẳng thắn, trực diện' nhằm ngăn chặn xung đột ở Ukraine nhưng không đưa ra được thỏa thuận chung.
Thứ trưởng Ngoại giao Wendy R. Sherman, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong cuộc họp song phương ở Geneva, từ chối cho biết liệu bà có tin vào sự đảm bảo của Nga rằng họ không có ý định tấn công Ukraine hay không. Còn phía Nga cũng bày tỏ sự tức giận trước việc Mỹ khăng khăng sẽ không ngừng mở rộng liên minh NATO ở châu Âu.
Song phương đều cứng rắn
Thứ trưởng Sherman cho biết bà đã nói với người đồng cấp Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov, rằng Moscow phải "giảm leo thang" bằng cách di chuyển ước tính 100.000 quân ra khỏi biên giới với Ukraine. Bà không nêu ra thời gian biểu cho hành động như vậy nhưng lặp lại lời đe dọa của Mỹ rằng nếu Nga tấn công quốc gia láng giềng này - như đã làm vào năm 2014 - thì Moscow sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao nghiêm trọng.
Trong một cuộc họp báo qua điện thoại sau khi phiên họp kết thúc, bà Sherman thông tin với các phóng viên: "Đó là một sự lựa chọn rõ ràng. Chúng tôi sẽ xem họ nghiêm túc như thế nào .... Người Nga có thể nói với bạn rằng [cuộc đàm phán hôm thứ Hai] là một lời chào đầu theo hướng mở cho một cuộc đàm phán nghiêm túc. Chúng tôi sẽ xem liệu điều đó có thực sự đúng như vậy không."
Chính quyền Biden, vốn đang đối mặt với mối quan hệ ngày càng xấu đi với một nước Nga ngày càng cứng rắn, đã đề nghị rằng họ sẵn sàng thảo luận về vấn đề triển khai tên lửa ở châu Âu và quy mô, phạm vi, "tính minh bạch" của các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và NATO trong khu vực. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman cũng cho biết, bất kỳ bước đi nào của Mỹ và các đồng minh sẽ phải được đáp lại bằng hành động "có đi có lại" của Nga.
Bà Sherman cho biết, Mỹ cũng sẵn sàng nỗ lực khôi phục một thỏa thuận theo khuôn khổ của hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung - đã được ký kết bởi Tổng thống Reagan và Mikhail Gorbachev nhưng sau đó đã hết hiệu lực.
Tuy nhiên, việc hạn chế mở rộng NATO để loại trừ nhiều quốc gia Đông Âu mà Tổng thống Vladimir Putin coi là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của mình, không phải là điểm khởi đầu của đàm phán, bà Sherman nói.
"Chúng ta còn một chặng đường dài phía trước," nhà ngoại giao Mỹ nói thêm.
Nhà ngoại giao Nga Ryabkov có vẻ còn bi quan hơn trong một cuộc họp báo diễn ra song song.
Ông cho biết các nhà ngoại giao Mỹ dường như không muốn tính đến lợi ích của Moscow, theo hãng tin Sputnik. Những yêu cầu như hạn chế một số quốc gia gia nhập NATO là ưu tiên "mà chúng tôi không thể lùi bước". Ông Ryabkov nói: "Nếu không có tiến triển về các vấn đề như vậy, thì "việc xúc tiến thảo luận về các khía cạnh khác, vì tất cả tầm quan trọng của chúng, sẽ nằm trong diện nghi vấn".
Kỳ vọng về cuộc họp đặc biệt theo khuôn khổ Đối thoại ổn định chiến lược Mỹ - Nga hôm thứ Hai đã bị hạ thấp sau khi các cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin, thông qua điện thoại và video, cũng chưa đạt được nhiều tín hiệu tích cực.
Chính quyền Biden, cùng với hầu hết các nước châu Âu, đang ngày càng lo lắng về hoạt động quân sự của các lực lượng Nga mà các quan chức phương Tây lo ngại rằng có thể là tiền đề cho một cuộc tấn công vào Ukraine. Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và được cho là có liên quan đến xung đột miền Đông tại Ukraine từ thời điểm đó cho đến nay.
Nguy cơ xung đột đe dọa cơ hội hợp tác
Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết khó có khả năng đạt được bất kỳ mối quan hệ hợp tác nào với Nga trong khi mối đe dọa tấn công từ nước này vẫn đang hiện hữu. Khi được hỏi động thái nào được phương Tây coi là tín hiệu "giảm leo thang", bà Sherman cho biết quân đội Nga dọc biên giới với Ukraine phải "trở về doanh trại của họ".
Nhà ngoại giao Mỹ Sherman và các quan chức trong phái đoàn làm việc sẽ tiếp tục các vòng đối thoại ngoại giao vào thứ Ba, cùng với các cuộc tham vấn tại Brussels với đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO và các quan chức khác của Liên minh Châu Âu EU. Một phiên họp của Hội đồng Nga-NATO được lên lịch diễn ra vào thứ Tư và cuộc họp của Hội đồng thường trực của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu gồm 57 thành viên sẽ diễn ra tại Vienna vào thứ Năm.
Bà Sherman cũng đang tìm cách xoa dịu những cáo buộc ở Moscow và một số lo ngại ở các thủ đô châu Âu rằng Washington đang cố gắng thực hiện các thỏa thuận mà không có sự tham vấn của các đồng minh.
Bà nói: "Chúng tôi sẽ không đưa ra quyết định về Ukraine mà không có Ukraine, về châu Âu mà không có châu Âu, về NATO mà không có NATO. Như chúng tôi đã nói với các đối tác và đồng minh của mình, 'không có thỏa thuận nào về các đối tác khi thiếu sự có mặt của chính các đối tác này".