Mỹ nhấn mạnh vai trò ngoại giao trong cuộc đối đầu với Iran
Hôm qua, Mỹ cho biết họ sẽ đưa trường hợp đối đầu với Iran ra trước cuộc họp Hội đồng Liên hợp quốc trong tuần này.
Mỹ muốn đưa vấn đề với Iran ra Đại hội đồng Liên hợp quốc
Mỹ nhấn mạnh rằng họ muốn “trao cơ hội ngoại giao” để có được thỏa thuận thành công với Iran sau một cuộc tấn công tàn khốc vào một khu phức hợp dầu mỏ quan trọng của Arab Saudi.
Chuẩn bị cho sự xuất hiện của Tổng thống Donald Trump tại Đại hội đồng thường niên của Liên hợp quốc vào thứ Ba, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã gạt bỏ các mối đe dọa trả đũa của quân đội Mỹ chống lại Iran vì vụ tấn công nhà máy dầu mỏ của Arab Saudi.
"Tổng thống Trump và tôi đều muốn trao cơ hội ngoại giao để có được thỏa thuận thành công", ông Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC. "Chính quyền của chúng tôi đang thực hiện điều này một cách nghiêm túc và chúng tôi đang nỗ lực làm việc để có được một kết quả ngoại giao tốt," ông nói. "Nhưng đừng nhầm lẫn về điều đó, nếu chúng tôi không thành công trong việc này và Iran tiếp tục tấn công theo cách đó, tôi tin tưởng rằng Tổng thống Trump sẽ đưa ra các quyết định cần thiết để đạt được mục tiêu của chúng tôi."
Mỹ cáo buộc Tehran thực hiện các “cuộc tấn công lén lút” trên không vào nhà máy Abqaiq và mỏ dầu Khurais của Arab Saudi vào ngày 14 tháng 9, khiến sản lượng dầu của vương quốc này sụt đi một nửa. Ông Pompeo gọi đây là "một trong những cuộc tấn công lớn nhất vào nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu trong lịch sử".
Nhưng bất chấp những cảnh báo ban đầu của mình, Tổng thống Trump đã nhanh chóng hạ giọng và bỏ qua lời khuyên từ những thành viên khó tính của Đảng Cộng hòa, những người cảnh báo rằng việc không có phản ứng mạnh mẽ sẽ bị coi là điểm yếu của họ ở Tehran.
Tổng thống Trump cho đến nay đã ra lệnh tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Iran, và triển khai một lực lượng khá khiêm tốn quân đội Hoa Kỳ đến vùng Vịnh, chủ yếu tập trung vào các nhiệm vụ phòng thủ như phòng không và tên lửa.
Trên Fox News, ông Pompeo cho biết, chính quyền đã "nhận thức sâu sắc về những rủi ro" của một tính toán sai lầm dẫn đến sự nhầm lẫn trong khu vực nhạy cảm này. "Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này theo cách mà không dùng đến hành động quân sự," ông nói.
Giọng điệu đanh thép của Iran
Vào Chủ nhật, trước khi rời Nhà Trắng trong chuyến đi tới Texas, Tổng thống Trump một lần nữa bỏ ngỏ khả năng một cuộc họp đột xuất bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc với Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
"Không có gì là không thể bàn luận, việc tôi không có ý định gặp Iran không có nghĩa là điều đó sẽ không xảy ra", Trump nói. "Tôi là một người rất linh hoạt, nhưng chúng tôi hiện tại chưa có kế hoạch đó."
Khi được hỏi liệu sẽ có bất kỳ cuộc thảo luận nào giữa ông Pompeo hoặc một đại diện Mỹ nào khác với phái đoàn Iran tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết "chưa có kế hoạch gì".
Nhưng phóng viên Christiane Amanpour - người dẫn chương trình phỏng vấn hàng đêm của CNN International Amanpour - đã đăng trên twitter rằng Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đã nói với bà trong một cuộc phỏng vấn rằng ông Rouhani sẵn sàng gặp Trump ở New York trong tuần này "với điều kiện Tổng thống Trump sẵn sàng làm những gì cần thiết" bằng cách thay đổi biện pháp trừng phạt vĩnh viễn các cơ sở hạt nhân của Iran.
Cuộc tấn công ngoại giao của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Iran giữ vững thái độ với lời cảnh báo từ một chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng rằng Iran "sẵn sàng cho mọi tình huống". "Bất cứ ai muốn vùng đất này trở thành chiến trường, hãy cứ tiếp tục" - Thiếu tướng Hossein Salami nói trong một cuộc họp báo ở Tehran.
Trong một cuộc phỏng vấn được ghi âm trước với "Face the Nation" (chương trình tin tức công cộng và buổi sáng hàng tuần của Mỹ phát sóng vào Chủ nhật trên mạng truyền hình và truyền hình CBS), Zarif phủ nhận Iran đứng sau vụ tấn công ngày 14 tháng 9. Vụ tấn công này đã được Phiến quân Huthi ở Yemen nhận trách nhiệm.
"Tôi không tự tin rằng chúng tôi có thể tránh được một cuộc chiến", ông nói. "Tôi tin rằng chúng tôi sẽ không bắt đầu chiến tranh nhưng tôi tin rằng bất cứ ai bắt đầu một cuộc chiến sẽ không phải là người kết thúc nó", ông nói.
Trong khi đó, ông Pompeo bảo vệ chiến lược của Mỹ trong việc áp dụng "áp lực tối đa" đối với Iran thông qua các biện pháp trừng phạt. Điều này đã dẫn đến việc Iran đả kích Mỹ gay gắt. Tuy nhiên, ông Pompeo nói rằng chiến dịch trừng phạt của Mỹ mới chỉ bắt đầu. "Chúng tôi hy vọng Liên hợp quốc sẽ có một ảnh hưởng nhất định bởi tổ chức này được thiết kế chính xác cho những việc như thế này - khi một quốc gia tấn công một quốc gia khác. Chúng tôi hy vọng Liên hợp quốc sẽ tập trung thực hiện vai trò chính của mình." - ông Pompeo nói.